Nỗ lực duy trì tỷ lệ chuyên cần đầu năm học

Năm học 2019 - 2020 đã diễn ra hơn 1 tháng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai chú trọng thực hiện thời điểm này là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Những chuyển biến tích cực

Chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà trong không khí tràn ngập tiếng nói cười của học sinh. Thầy giáo Thạch Văn Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường có 130 học sinh. Sau 3 tuần học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp của trường đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần đạt gần 98%. Để học sinh đi học chuyên cần, đến trường đầy đủ ngay đầu năm học, Ban Giám hiệu đã yêu cầu các thầy cô giáo có mặt tại trường sớm hơn quy định để vệ sinh trường, lớp, chuẩn bị đồ dùng dạy học và đặc biệt là vận động học sinh đi học đúng lịch. Với những học sinh vắng mặt, nhà trường tìm hiểu và có biện pháp vận động các em ra lớp sớm nhất có thể. “Đối với học sinh ở thôn xa, chúng tôi vận động đến ở bán trú tại trường và dành điều kiện tốt nhất cho các em” - thầy Mạnh nói.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Si Ma Cai chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Si Ma Cai chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường.

Ông Nguyễn Nam Chinh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cho biết: Năm học 2019 - 2020, huyện Bắc Hà có 68 trường từ cấp học mầm non đến THCS và trường liên cấp, với gần 18.500 học sinh. Để ổn định nền nếp và huy động học sinh ra lớp trong năm học mới, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường tăng cường phối hợp với các địa phương trong vận động học sinh, đồng thời chú trọng tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức trò chơi dân gian... nhằm thu hút học sinh tới lớp. Nhờ đó, trong những tuần học đầu của năm học mới, tỷ lệ chuyên cần toàn huyện luôn đạt trên 97%.

Si Ma Cai là huyện vùng cao, tập trung đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Phù Lá sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến việc cho con em đến trường học. Những năm qua, hiện tượng học sinh bỏ học vẫn diễn ra. Lý do chính là các em ở nhà lao động hoặc lấy vợ, lấy chồng sớm. Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: Năm học 2019 - 2020, huyện có 41 trường học, 540 lớp học với 11.306 học sinh các cấp. Hiện vẫn còn 37 học sinh chưa ra lớp, trong đó 29 học sinh không có mặt tại địa phương. Nắm được tình hình đó, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách học sinh nghỉ học, nắm rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng từng em để đưa ra biện pháp vận động phù hợp. Các trường cũng phân công thầy cô giáo đến từng thôn tuyên truyền cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc học tập, cho học sinh đến lớp đúng lịch học; tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số để phụ huynh nắm được và cho các em đến lớp.

Năm học này, các trường cũng thực hiện việc báo cáo sĩ số từng ngày, từng giờ học có học sinh vắng mặt để tìm hiểu nguyên nhân, sau đó vận động các em trở lại lớp. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện những tuần đầu năm học đạt trên 96%, trong đó cấp mầm non, tiểu học đạt 97% - 98%; cấp THCS đạt trên 95%. So với cùng kỳ năm học trước, tỷ lệ chuyên cần, huy động học sinh ra lớp tăng 2% - 3%. Riêng 3 xã Lùng Sui, Sán Chải và Nàn Sán những năm trước, tỷ lệ chuyên cần đạt thấp nhất (92%), năm nay đều đạt trên 96%.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng của cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, tỷ lệ chuyên cần ở vùng cao có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 30/8 đến ngày 5/9/2019, tỷ lệ chuyên cần trung bình đạt 96,91% (cấp THPT: 97,15%; THCS: 96,84%), tăng hơn 1% so với cùng kỳ; sau tuần đầu ra lớp, tỷ lệ học sinh các cấp đi học chuyên cần đạt 97,7%. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh chưa ra lớp (chiếm 1,22%), trong đó một số huyện có nhiều học sinh chưa đến lớp như Bát Xát (140 em), Văn Bàn (126 em)… Nguyên nhân do đi khỏi địa phương (30,92%), học lực yếu kém không muốn đi học (20,86%), tảo hôn (9,3%), hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải, huyện Sa Pa trong giờ học.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải, huyện Sa Pa trong giờ học.

Nhằm duy trì tỷ lệ chuyên cần ngay từ đầu năm học, các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả như đưa công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì học sinh đi học chuyên cần vào quy ước, hương ước và là một trong những tiêu chí xét gia đình văn hóa. UBND các xã giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách thôn, bản; giáo viên phụ trách lớp để vận động học sinh nghỉ học quay lại trường, lớp. Huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phối hợp với các trường học nắm tình hình đi học của học sinh theo từng buổi học, cử cán bộ xã phối hợp với giáo viên có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân học sinh không đi học và kịp thời đưa học sinh ra lớp...

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đã rà soát việc phân công nhiệm vụ từng thành viên trong ban chỉ đạo công tác giáo dục phụ trách xã, phường, thị trấn; tổ chức họp ban chỉ đạo bàn các giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, đặc biệt là các xã còn khó khăn về phong trào giáo dục. Tăng cường kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học và kiểm tra đột xuất để nắm tình hình thực tế của cơ sở; lựa chọn các trường xây dựng mô hình điểm về duy trì số lượng và tỷ lệ chuyên cần. Phân công nhiệm vụ cho chuyên viên thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình học sinh đi học chuyên cần; kịp thời tham mưu, đôn đốc, chỉ đạo các trường khó khăn, có tỷ lệ chuyên cần thấp; chấn chỉnh các trường báo cáo sai số lượng học sinh; tổng hợp, đánh giá tình hình học sinh đi học chuyên cần...

Bên cạnh đó, các trường tiếp tục động viên cán bộ, giáo viên trực tiếp tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; tăng cường các hoạt động tập thể như văn nghệ, thể thao, giáo dục kỹ năng sống nhằm thu hút học sinh đến trường và giáo dục toàn diện học sinh; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời động viên, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Với những nỗ lực của ngành giáo dục, sự vào cuộc quyết liệt, sự quan tâm sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, hy vọng trong năm học mới, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần cao, góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/no-luc-duy-tri-ty-le-chuyen-can-dau-nam-hoc-z5n20191008080729687.htm