Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động giữa 'mùa dịch'

Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tập trung hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, mở rộng thị trường gắn với kết nối cung – cầu lao động... là những giải pháp đang được các cấp, ngành của tỉnh triển khai đồng bộ nhằm giải quyết việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Tư liệu

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Tư liệu

Áp lực từ hơn 20.000 người trở về địa phương

Từ giữa năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các thành phố lớn, xâm nhập cả trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập nên nhiều lao động đã quyết định trở về địa phương. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 21.664 người trở về (trong đó gồm cả học sinh, sinh viên). Đây là áp lực rất lớn cho chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP (ngày 11.10.2021) về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; nhiều địa phương đã khôi phục sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, chế xuất. Nhiều lao động đã quay lại thị trường làm việc, tuy nhiên con số này chỉ chiếm khoảng 35%.

Anh Vũ Văn Mạnh, trú tại xã Hùng An (Bắc Quang), là lao động trở về từ các tỉnh phía Nam cho biết: Tôi rất muốn quay trở lại công ty cũ để làm việc, tuy nhiên công ty đang cắt giảm lao động do gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. Nhiều lao động khác cũng đang phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch. Tôi rất mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ tìm kiếm cơ hội việc làm mới vì với lao động phổ thông như chúng tôi thì mất việc làm đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính, trong khi nguồn tài chính tích lũy không đủ để duy trì mức sống tối thiểu cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Đào tạo nghề cho học viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên.

Đào tạo nghề cho học viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên.

Qua khảo sát, trong tổng số hơn 21.000 người trở về địa phương thì số lao động có nhu cầu quay lại các tỉnh, thành phố làm việc là 10.457 người, chiếm 48,26%. Trong khi nhu cầu về việc làm của người lao động tăng cao thì tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước lại đang chậm, chưa thể khôi phục 100% công suất hoạt động. Nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất hoặc không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, khối lượng hàng tồn kho lớn, doanh thu thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng đáp ứng hết nhu cầu việc làm cho người lao động.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động làm việc ngoài tỉnh mà còn tác động trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động trong tỉnh với hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tạm dừng hoặc thu hẹp, nhiều dịch vụ ngừng hoạt động… Từ thực trạng trên, các cấp, ngành đã xác định giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động là vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có kế hoạch, chiến lược lâu dài để thích ứng với tình hình của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều giải pháp thiết thực

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sùng Đại Hùng cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, thống kê, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những lao động trở về và các lao động trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Dự báo trong khoảng 4 năm tới, số lao động có nhu cầu giải quyết việc làm toàn tỉnh khoảng 90.000 – 95.000 người (trung bình khoảng 22.000 người/năm).

Theo nhận định, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh khá lớn, đây là thị trường quan trọng và có khả năng tạo việc làm rất lớn cho lao động Hà Giang. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tuyển những vị trí có tay nghề, do vậy bên cạnh việc tăng cường kết nối thị trường lao động với doanh nghiệp thì cần quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Là đơn vị đào tạo nghề chính trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng công tác tuyển sinh với nhiều giải pháp linh hoạt. Giai đoạn 2011 – 2021, nhà trường đào tạo được trên 17.000 học sinh, sinh viên với trên 85% người học sau tốt nghiệp có việc làm. Nhà trường cũng thực hiện khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để liên kết mở lớp theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp. Đến nay đã liên kết với trên 20 doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết việc làm cho người học nghề.

Trong năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm cho trên 17.400 lao động, trong đó làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động nước ngoài là 8.617 người. Đào tạo nghề cho trên 5.000 người, cho vay hỗ trợ tạo việc làm với tổng số tiền 120 tỷ đồng. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ. Điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 1% cho 953 đơn vị và 11.758 lao động với tổng số tiền đã giảm là 1.188,493 triệu đồng; giải quyết hưởng hỗ trợ thất nghiệp cho 11.525 lao động với kinh phí hơn 25.600 triệu đồng…

Để tạo điều kiện cho người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, các cấp, ngành đang chủ động kết nối và mở rộng thị trường lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố trong nước để liên kết đưa lao động Hà Giang đi làm việc. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến các địa phương trong tỉnh để tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng, nhất là tại các khu vực vùng sâu, xa, biên giới. Rà soát nguồn lao động trở về quê có nhu cầu trở lại thị trường để kết nối với doanh nghiệp sớm đưa lao động trở lại làm việc. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm; tăng cường đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện liên doanh, liên kết, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh tổ chức các hội chợ việc làm, tư vấn cho người lao động về chính sách, pháp luật, thị trường việc làm trong và ngoài nước; tạo thêm các kênh thông tin giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp…

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202201/no-luc-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-giua-mua-dich-786803/