Nỗ lực giảm nghèo ở Háng Đồng

Là một trong 5 xã vùng cao của huyện Bắc Yên, những năm qua, xã Háng Đồng nỗ lực tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Một thời gian khó

Háng Đồng, trong ký ức của những người đã từng đến đây là một xã vùng cao nghèo nàn, lạc hậu, cách trở giao thông. Xã có 4 bản, 330 hộ, trong đó, dân tộc Mông chiếm 97%.

Trước đây, khi chưa có tỉnh lộ 112 kết nối các xã vùng cao với trung tâm huyện Bắc Yên, cách duy nhất là đi bộ lên xã Tà Xùa, rồi đi xuyên xuống thung lũng sâu và vượt qua những đỉnh núi cao mới đến được xã Háng Đồng. Hành trình đi mất 2-3 ngày, phải có người dẫn đường, ăn cơm nắm và ngủ lại trên lán nương. Sự cách trở về giao thông làm kinh tế trì trệ, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung, tự cấp.

Các tuyến đường liên bản, nội bản trong xã giờ đã được cứng hóa.

Các tuyến đường liên bản, nội bản trong xã giờ đã được cứng hóa.

Điều kiện xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, Háng Đồng tập trung tranh thủ mọi sự hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là vận dụng sáng tạo và lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tập trung huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi.

Trụ sở HĐND, UBND xã Háng Đồng được đầu tư xây dựng khang trang.

Trụ sở HĐND, UBND xã Háng Đồng được đầu tư xây dựng khang trang.

Giờ đây, đến xã Háng Đồng, không còn khó khăn như trước nữa, từ xã Tà Xùa đi theo con đường nhựa khoảng 1 giờ đồng hồ qua những khoảnh ruộng bậc thang, qua điểm du lịch “Sống lưng khủng long” là đến trung tâm xã.

Niềm vui tiếp nối niềm vui, sau tuyến đường, nhiều công trình, dự án ở Háng Đồng tiếp tục đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng như: Trụ sở làm việc xã, trạm y tế, trường học, các tuyến đường giao thông liên bản, nội bản được bê tông hóa. Bên cạnh đó, hàng chục dự án sinh kế, phát triển sản xuất được triển khai tại các bản... giúp cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày một khấm khá hơn.

Đồng chí Mùa A Chơ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, phấn khởi nói: Từ khi có đường, có điện, Háng Đồng như được “thay da, đổi thịt”, hàng hóa nông sản của người dân được tiêu thụ thuận lợi, làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Có đường mới, các sản phẩm hàng hóa của bà con trồng ra không sợ ế, không lo bị ép.

Khát vọng vươn lên

Trở lại Háng Đồng lần này, ngoài sự đổi thay do Nhà nước đầu tư, điều khiến chúng tôi vui mừng là được chứng kiến nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, gia tăng giá trị kinh tế.

Đồng chí Sùng A Mang, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong 4 năm trở lại đây, xã đã đưa một một số loại cây dược liệu và thảo quả trồng dưới tán rừng; đưa cây chè tuyết, măng bát độ, quế, lê vào trồng tại các bản Háng Đồng, Háng Đồng C, Làng Sáng, Chống Tra... bước đầu cho kết quả khả quan. Quyết tâm, vươn lên xóa đói, nghèo, Đảng bộ xã đề ra nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa xã thoát nghèo; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát chất đất các bản, đánh giá mức độ phù hợp của đất với từng loại cây trồng. Từ đó, đưa ra định hướng cụ thể, lựa chọn từng giống cây đưa vào trồng từng bản.

Nhân dân bản Háng Đồng, xã Háng Đồng thu hái chè.

Nhân dân bản Háng Đồng, xã Háng Đồng thu hái chè.

Đến nay, xã Háng Đồng có 270 ha sơn tra, 205 ha thảo quả, 180 ha chè, 35 ha quế, 21 ha măng bát độ và một số loại cây trồng khác. Ngoài ra, xã vận động nhân dân mở rộng diện tích ruộng bậc thang lên 228 ha nhằm đảm bảo lương thực tại chỗ, tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, thành lập Tổ công tác của xã xuống các bản triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển nuôi ngựa sinh sản cộng đồng; phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn triển khai quy mô, địa điểm, đối tượng xây dựng mô hình điểm chuyển đổi từ đất canh tác nương rẫy trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang hỗ trợ trồng các loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp phân tán có tác dụng phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn. Phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân cách hái chè, sao chè để nâng cao giá trị cây chè.

Thăm mô hình thâm canh chè shan tuyết của anh Mùa A Lồng, bản Háng Đồng, được nhà nước hỗ trợ cây giống từ năm 2019. Anh Lồng kể: Trước đây, gia đình tôi cũng trồng chè, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, cây chè không được chăm sóc, đốn tỉa nên năng suất, sản lượng chè rất thấp. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, búp tươi thu hái đến đâu được hợp tác xã bao tiêu đến đó. Với hơn 2 ha chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt gần 6 tấn/năm, thu về gần 300 triệu đồng. Nhờ cây chè, đời sống của gia đình tốt hơn, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.

Hiện thực hóa nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống, đã giúp Háng Đồng nỗ lực giảm nghèo. Điều đó được minh chứng qua tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình 5%/năm; riêng năm 2023 giảm 7,79%. Háng Đồng bây giờ còn là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách các nơi đến thăm quan, trải nghiệm.

Từ một vùng quê nghèo khó, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; cùng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, đã làm cho bước tranh kinh tế xã vùng cao Háng Đồng đang khởi sắc. Kết quả đó, là động lực để đồng bào các dân tộc nơi đây tiếp tục chung sức, đồng lòng, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-nam-2022-tinh-son-la/no-luc-giam-ngheo-o-hang-dong-J13qWOWHR.html