Nỗ lực hạ nhiệt

Tổng thống Pháp E.Macron vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran H.Rouhani và nhắc lại lời kêu gọi giảm căng thẳng giữa Iran với Mỹ và Anh.

Tổng thống Pháp E.Macron vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran H.Rouhani và nhắc lại lời kêu gọi giảm căng thẳng giữa Iran với Mỹ và Anh.

Cuộc điện đàm này diễn ra ngay sau khi Pháp cùng với các cường quốc châu Âu khác, vốn là những nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran, vừa tiến hành cuộc gặp khẩn cấp tại Viên (Áo) nhằm nỗ lực “cứu” JCPOA bên bờ đổ vỡ.

Tổng thống Pháp E.Macron thực hiện cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran khi ông đang ở pháo đài thời trung cổ Bregancon bên bờ Ðịa Trung Hải, một địa điểm nghỉ hè lý tưởng của Tổng thống E.Macron. Ðiều đó cho thấy, vấn đề hạt nhân Iran luôn đóng vai trò quan trọng đối với người đứng đầu Ðiện Elysee.

Ông E.Macron nhấn mạnh, vai trò của Pháp là phải nỗ lực bảo đảm rằng tất cả các bên liên quan JCPOA đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Pháp đã sử dụng các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ để tìm cách giải quyết những căng thẳng giữa Iran với Mỹ. Thông tin từ Ðiện Elysee cho biết, ông Macron dự kiến sẽ có cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Bregancon vào giữa tháng 8 tới, trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G7 ở Bi-a-rít, nơi được cho là sẽ đưa ra "những cơ hội mới" để thảo luận về vấn đề Iran.

Những nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy trong bối cảnh cuộc khủng hoảng liên quan JCPOA đang bế tắc, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận, còn Iran cũng từ bỏ một số cam kết. Ðại diện các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã họp khẩn tại Viên (Áo) nhằm thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận, sau khi Iran tuyên bố vượt giới hạn dự trữ u-ra-ni cũng như mức làm giàu hạt nhân quy định trong thỏa thuận ký với các cường quốc năm 2015. Tuyên bố của Iran về việc nước này đã làm giàu 24 tấn u-ra-ni kể từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng như việc Tehran tái khởi động lại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak được cho là "đòn tâm lý" mà quốc gia Hồi giáo tung ra trước những căng thẳng leo thang với phương Tây.

Nếu tuyên bố của Tehran được kiểm chứng, điều đó có nghĩa là quốc gia vùng Vịnh đã sản xuất u-ra-ni làm giàu nhiều hơn trước đây và vượt nhiều lần so với giới hạn của thỏa thuận hạt nhân. Ðối với Mỹ và các đồng minh châu Âu, động thái làm giàu u-ra-ni của Iran được coi là "quả bom hẹn giờ" khi phương Tây luôn cảnh báo phải ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia đã coi lò phản ứng nước nặng Arak là một nguy cơ vì cơ sở này có thể giúp Iran sản xuất plu-tô-ni sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Việc Iran tuyên bố giảm tuân thủ các cam kết trong JCPOA khiến các nước lo ngại. Bởi giới hạn làm giàu u-ra-ni của Iran cũng như mức độ hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng vốn được quy định và bị đặt dưới sự kiểm soát của JCPOA.

Những động thái mới từ Iran được cho là "con bài" để mặc cả và gây sức ép nhằm buộc các nước châu Âu phải đưa ra biện pháp bảo vệ lợi ích của Tehran trước lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran cho biết sẽ tiếp tục giảm tuân thủ cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân cho tới khi nào lợi ích của Tehran được bảo đảm. Ðiều này đẩy châu Âu vào thế "giữa hai làn đạn" khi một bên là yêu cầu của Iran đòi châu Âu phải tuân thủ các cam kết với Tehran trong JCPOA, một bên là Mỹ, một đồng minh, đối tác quan trọng hàng đầu của châu Âu trong nhiều lĩnh vực, lại đang thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt Iran.

Bất chấp các tuyên bố kêu gọi tìm kiếm đối thoại của các bên, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỹ đã chính thức đề nghị Ðức phối hợp với Pháp và Anh trong sứ mệnh bảo đảm an toàn hàng hải qua Eo biển Hormuz, ngoài khơi bờ biển Iran. Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh quốc tế có tên Chiến dịch Canh gác để bảo đảm an ninh ở vùng Vịnh sau loạt vụ tiến công các tàu chở dầu tại đây. Trong khi đó, Anh cũng đề xuất thành lập một liên minh hải quân do châu Âu dẫn đầu thực hiện nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu tại vùng Vịnh.

Trong khi đó, Iran cho rằng các động thái nêu trên là "thông điệp thù địch, mang tính khiêu khích". Tehran cáo buộc rằng, lý do Mỹ từ chối một đề nghị của Iran về việc đẩy nhanh công tác thanh tra, giám sát hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này là bởi Washington "không muốn tìm kiếm đối thoại". Còn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo thì lại cho biết, Iran đã không chấp thuận lời đề nghị của ông đến thăm Tehran và có cuộc thảo luận trực tiếp với giới chức nước này.

Những cuộc điện đàm cùng những cuộc đối thoại quốc tế khẩn cấp đang được thúc đẩy, nhằm làm dịu "sức nóng" của tình trạng căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh sau các hành động "mạnh ai nấy làm" của cả Iran và Mỹ. Dư luận hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran của các bên còn lại tham gia JCPOA, tuy nhiên cả Mỹ và Iran đến nay vẫn chưa có động thái hòa dịu nhằm giải tỏa bế tắc và tiến tới ngồi vào bàn đàm phán. Thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn mối đe dọa về vũ khí hạt nhân cũng như duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực Trung Ðông hiện vẫn đang ở thế "nghìn cân treo sợi tóc".

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41057102-no-luc-ha-nhiet.html