Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển

Bài 2: Các sở ngành, hiệp hội tích cực và trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp

Những năm qua, các sở ngành liên quan cùng với hiệp hội có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết thị trường trong và ngoài nước...

Các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm khảo sát thị trường...

Các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm khảo sát thị trường...

Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ tổ chức sự kiện “Techfest vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ” với nhiều hoạt động như Hội thảo Kết nối đầu tư giữa Startup với DN, nhà đầu tư; Trưng bày sản phẩm và dự án Startup của vùng; Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ”. Theo đó, góp phần thúc đẩy liên kết các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng (DN khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,...) với Hệ sinh thái quốc gia và quốc tế; tạo dựng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.

Lâm Đồng có 5 đơn vị được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, là Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật H.Q, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, Công ty Cổ phần PAN - SALADBOWL. Các DN KH&CN đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sản xuất trên danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, hoạt động đạt hiệu quả cao, tỷ trọng doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu đạt yêu cầu. DN KH&CN được tỉnh chủ trương ưu tiên hỗ trợ tham gia các chương trình phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước, các nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương.

Các thương hiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh tỉnh Lâm Đồng, như: Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, Sầu riêng Đạ Huoai... được hỗ trợ thực hiện các hoạt động đăng ký xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu sở hữu cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), thực hiện gia hạn văn bằng theo đúng thời gian quy định. Thông qua việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tổ chức, kết nối cung cầu hàng hóa từ nhà sản xuất tại Lâm Đồng với nhà phân phối như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống chợ trong cả nước; tổ chức các đoàn DN sản xuất các mặt hàng đặc trưng của tỉnh tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong nước với số lượng từ 12-36 DN tham gia mỗi lần.

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá du lịch địa phương như Đà Lạt điểm đến “An toàn và thân thiện”; phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, công bố chương trình kích cầu du lịch tỉnh Lâm Đồng, với chủ đề “Đà Lạt - Miền yêu thương”.

Tỉnh Lâm Đồng không ngừng củng cố, kiện toàn, xây dựng Hiệp hội DN tỉnh trở thành tổ chức xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, tạo ra sự thống nhất trong Hiệp hội DN và cộng đồng DN của tỉnh. Đến nay, Hiệp hội DN đã thành lập 11 chi hội trực thuộc tại các huyện, thành (trừ huyện Bảo Lâm), thành lập 1 chi hội ngành nghề gỗ. Các Hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội chè, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội hoa Đà Lạt... đều là thành viên của Hiệp hội DN tỉnh... Hiệp hội DN tham gia chủ trì và phối hợp với một số tổ chức, như: BUM (Hà Lan), Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Công, Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), VCCI, BNI Lâm Đồng... đẩy mạnh công tác tập huấn, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị điều hành cho lãnh đạo DN; hỗ trợ DN về liên kết hợp tác, xúc tiến thương mại, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Hiệp hội DN cũng tham gia đề xuất việc thay đổi hình thức, nội dung, phương thức tổ chức bình chọn và vinh danh những DN, doanh nhân tiêu biểu của tỉnh vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) hằng năm, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân, DN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; khẳng định tài, tâm trong hoạt động kinh doanh, tư cách công dân, trách nhiệm xã hội của lực lượng DN, HTX và doanh nhân.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202104/no-luc-ho-tro-doanh-nghiep-hoi-nhap-va-phat-trien-bai-2-3052145/