Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát - Kỳ cuối

Kỳ cuối: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Với nhiều cách làm chủ động, linh hoạt, tỉnh huy động sự chung tay của cộng đồng tạo nguồn lực giúp người nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở kiên cố để "an cư, lạc nghiệp", trung bình huy động hàng trăm tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với nhu cầu thực tế lớn, nội lực địa phương còn hạn chế, tỉnh rất cần sự chung tay của cả xã hội hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thắt chặt mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhu cầu lớn, nội lực hạn chế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đẩy nhanh công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương, tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hỗ trợ XNT, NDN. Chương trình nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, lực lượng công an các cấp, gia đình, dòng họ của các đối tượng được hỗ trợ.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của người dân và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, đến hết năm 2023 tỉnh giải ngân hết nguồn vốn được giao. 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh hỗ trợ 2.608/7.121 hộ, đạt 36,6% kế hoạch, trong đó, 1.547 hộ xây mới, 202 hộ sửa chữa từ 1 - 2 tiêu chí cứng, 859 hộ sửa chữa 3 tiêu chí cứng. Thực hiện giải ngân đạt 87 tỷ 933 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 66 tỷ 495 triệu đồng, ngân sách địa phương 10 tỷ 796 triệu đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa 10 tỷ 642 triệu đồng. Người dân huy động thêm vốn, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để có được ngôi nhà khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Để Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát thực hiện đạt hiệu quả, tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tại các địa phương.

Để Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát thực hiện đạt hiệu quả, tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tại các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện XNT,NDN còn một số khó khăn như: nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của tỉnh còn rất lớn, ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đáp ứng gần 76%, ngân sách địa phương, huy động từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế; nhiều hộ chủ động xây dựng, sửa chữa nhà nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí kịp thời do thiếu nguồn vốn gây khó khăn trong nhân dân; nhiều hộ được hỗ trợ nhà ở (5 - 6 triệu đồng) theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hộ nghèo, nhà đã dột nát nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nhiều hộ vướng mắc về đất đai, quy hoạch, xây dựng, sửa chữa nhà ở vượt quá khả năng kinh tế…

Nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ 22 tỷ đồng, chưa đủ so với nhu cầu của tỉnh; công tác thu thập thông tin tại một số địa phương chưa đầy đủ, mang tính đối phó; nhiều hộ gia đình vẫn bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán, còn do dự, chưa quyết liệt trong thực hiện; một số cán bộ chuyên môn phụ trách cấp huyện, xã trình độ không đồng đều; khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa được tháo gỡ kịp thời.

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Cao Bằng là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn thí điểm thực hiện XNT, NDN từ năm 2021, đến nay trở thành phong trào rộng khắp và mang lại “sinh lực mới” cho phát triển kinh tế, xã hội các bản làng vùng cao. Ngoài nguồn vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh nhận được nhiều nguồn đầu tư thông qua vận động xã hội hóa.

Tại các xóm, xã, người dân không có điều kiện hỗ trợ tiền mặt thì hỗ trợ nhau bằng ngày công lao động như: san nền, vận chuyển vật liệu, xây tường, dựng nhà… Nhờ đó, từ năm 2020 đến hết tháng 7/2024, tỉnh xóa trên 9.600 nhà tạm, nhà dột nát; riêng năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu xóa thêm 7.121 nhà tạm, nhà dột nát.

Là địa phương khó khăn nhất tỉnh, năm 2023, huyện Bảo Lâm hỗ trợ gần 510 hộ XNT, NDN, trong đó xây mới 288 nhà. Năm 2024, ngoài chỉ tiêu được giao hỗ trợ gần 1.300 nhà, huyện đặt mục tiêu thực hiện hỗ trợ XNT,NDN bổ sung cho 10 hộ từ nguồn lực xã hội hóa. Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: Huyện thực hiện rà soát hoàn cảnh của từng hộ gia đình, từng xóm, xã để xây dựng biểu tiến độ triển khai cụ thể, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giao. Khó khăn nhất của huyện là điều kiện của người dân còn khó khăn, nhiều gia đình không có khả năng đối ứng hoặc khả năng đối ứng rất hạn chế. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huyện chỉ đạo các cấp, ngành, nhất là các xã, xóm, các tổ tương trợ đến từng hộ để nắm tâm tư, nguyện vọng, tìm hướng hỗ trợ, khắc phục và động viên gia đình cố gắng vươn lên.

Với những nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gắn với thực hiện các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh còn 32.060 hộ nghèo (tương đương 24,71%), 19.747 hộ cận nghèo (tương đương 15,22%).

Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân huy động thêm vốn xây dựng nhà ở kiên cố, vững chắc, khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân huy động thêm vốn xây dựng nhà ở kiên cố, vững chắc, khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình XNT, NDN tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Để thực hiện tốt chương trình XNT, NDN, các cấp, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong triển khai chương trình; từng thành viên Ban Chỉ đạo, người được phân công phụ trách địa bàn nắm chắc tình hình từng hộ theo đúng biểu tiến độ đã ban hành. Phát huy tốt vai trò, sự tham gia của lực lượng công an các cấp; chủ động khẩn trương, trách nhiệm, tích cực hơn nữa trong giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đề án; xử lý, giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai; tăng cường kiểm tra đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên, đột xuất bằng những hình ảnh được quay, chụp trực tiếp từ hiện trường để kiểm tra thực tế thực hiện tại các địa phương. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án của tỉnh. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho chương trình. Chủ động điều chỉnh chỉ tiêu các hộ được hỗ trợ đã giao. Tăng cường cho vay và ưu tiên cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ dân.

Đối với các huyện còn khó khăn do thiếu cán bộ cấp cơ sở để thực hiện chương trình, nhất là 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, tỉnh có chủ trương cho phép các huyện được tuyển cán bộ làm việc tại cơ sở. Đối với các địa phương phát sinh các hộ ngoài dự án, thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc rà soát, đánh giá đối tượng thụ hưởng; đồng thời, khẩn trương rà soát lại một cách chặt chẽ, đúng, trúng đối tượng và nhanh chóng bổ sung vào danh sách các đối tượng đủ điều kiện với chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quyết tâm, quyết liệt cao nhất, năm 2024 nỗ lực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ XNT,NDN cho 7.121 hộ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài phát huy nội lực của địa phương, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí ngân sách và giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh xã hội hóa kinh phí để thực hiện hoàn thành mục tiêu XNT, NDN trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục huy động các nguồn lực, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ chương trình XNT, NDN; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được thụ hưởng; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để ổn định cuộc sống lâu dài.

Kỳ 1: Từ mô hình nhỏ, nhân thành điểm sáng

Kỳ 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngọc Minh - Thanh Huyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-ky-cuoi-3172451.html