Nỗ lực hơn nữa để nền kinh tế cán đích

3/4 chặng đường của năm 2019 đã đi qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến khả quan hơn so với kỳ vọng. Điều này khiến chúng ta tin tưởng vào việc hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu của năm nay là hoàn toàn khả thi.

Cán cân thương mại thặng dư 4-6 tỷ USD

Báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2019 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục khả quan, lạm phát thấp, nền tảng vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, tỷ giá tiếp tục ổn định.

Với những kết quả tích cực đạt được trong 9 tháng qua theo các số liệu vừa được Tổng cục Thống kê và Chính phủ công bố, báo cáo này đưa ra dự báo GDP quý IV ước tăng 7,2-7,3%. Như vậy, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt mục tiêu đặt ra, dự kiến ở mức khoảng 6,8-6,9%, và lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, CPI bình quân dự báo cả năm chỉ tăng trong khoảng 3-3,3%.

Việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu của năm nay là hoàn toàn khả thi

Việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu của năm nay là hoàn toàn khả thi

Về xuất khẩu, mặc dù có những khó khăn song báo cáo này cho rằng “vẫn có khả năng đạt kế hoạch” nhờ sự tăng trưởng của một số thị trường lớn như Mỹ, ASEAN, Nhật, Hàn Quốc... Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 sẽ đạt mức 265-268 tỷ USD (tăng 9-10% so với năm 2018), kim ngạch nhập khẩu đạt 262-264 tỷ USD (tăng 10-11% so với năm 2018). Cán cân thương mại hàng hóa dự báo tiếp tục thặng dư, có thể ở mức 4-6 tỷ USD trong năm nay.

Vốn đầu tư nước ngoài (ÐTNN) vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhờ các yếu tố như: Các DN nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất, ưu đãi thuế và CPTPP, EVFTA có hiệu lực; các DN nước ngoài, trong đó có cả các DN Trung Quốc tiếp tục xu hướng dịch chuyển đầu tư nhằm hạn chế tác động của chiến tranh thương mại; các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan dự kiến sẽ tăng đầu tư FDI khi môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó, định hướng mới về thu hút FDI theo Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút và sử dụng ÐTNN tại Việt Nam trong giai đoạn tới theo hướng phát triển bền vững hơn, khuyến khích và bảo đảm quyền lợi của nhà ÐTNN tại Việt Nam. Dự kiến, vốn FDI thực hiện dự kiến đạt 20-21 tỷ USD năm 2019 (tăng 9-10% so với năm 2018) và vốn FDI đăng ký dự kiến đạt 35-36,5 tỷ USD (chỉ tăng 3%).

Trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, dự kiến trong quý IV/2019, tỷ giá về cơ bản sẽ tiếp tục ổn định nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc, quan hệ cung - cầu ngoại tệ cân bằng, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng và NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, dùng đồng bộ nhiều công cụ chính sách khác nhau... Lãi suất huy động được dự báo sẽ có thể tăng nhẹ, đặc biệt là huy động kỳ hạn dài do nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường cao hơn trong các tháng cuối năm; thực hiện lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (sửa đổi Thông tư 36); áp lực tỷ giá do chiến tranh thương mại leo thang, khiến các TCTD cần duy trì chênh lệch lãi suất VND/USD ở mức nhất định để thu hút người gửi tiền VND.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến ngày 24/9/2019 tín dụng tăng 8,64%, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, mức tăng này là khá phù hợp trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn vốn bổ sung (tư nhân, FDI, trái phiếu, cổ phiếu…) và cơ cấu tín dụng ngày càng được căn chỉnh tốt và hiệu quả hơn. Với đà này và theo yếu tố thời vụ, báo cáo dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn từ nay đến hết năm và cả năm có thể ở mức 13-14%.

Thị trường chứng khoán trong quý IV được nhận định tiếp tục biến động với các phiên tăng giảm đan xen, với VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.000 điểm. Thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính chất tâm lý từ diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, nhất là liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, các động thái tiếp theo của Fed và NHTW các nước về nới lỏng tiền tệ, hoạt động mua/bán ròng của nhà ĐTNN… Tuy nhiên, về cơ bản thị trường dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong các tháng còn lại của năm nay.

Cần đặc biệt quan tâm tới rủi ro từ bên ngoài

Tuy nhiên những khó khăn, thách thức trong quý IV vẫn còn nhiều và đến từ cả các yếu tố trong và ngoài nước. Nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định KTVM trong quý cuối năm 2019, báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị trong điều hành KTVM cần đặc biệt quan tâm tới các rủi ro bên ngoài, tiếp tục nghiên cứu, dự báo về điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, cũng như theo sát diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các kịch bản khác nhau.

Trong đó, cần có thêm các nghiên cứu định lượng về các tác động đến tổng thể nền kinh tế Việt Nam, đến hệ thống tài chính-tiền tệ, đến các nhóm ngành lớn trong nền kinh tế để từ đó có cơ sở đề ra các biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp. Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thể hiện thiện chí, giải quyết các vấn đề (cân bằng thương mại, gian lận thương mại, an ninh mạng…) mà phía Mỹ quan tâm.

NHNN chủ trì tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề về tỷ giá, lãi suất và có giải pháp kịp thời, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, chủ động bám sát, trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, đúng và tích cực hơn về chính sách tiền tệ của Việt Nam trong kỳ đánh giá lần này. Bộ Công thương khẩn trương đầu mối phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tiếp tục thực hiện các định hướng, giải pháp nêu tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và chỉ thị, thông báo liên quan trong triển khai các giải pháp điều hành KTVM những tháng cuối năm 2019. Như Bộ NN - PTNT cần tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ ngăn chặn dứt điểm dịch tả lợn Châu Phi và phối hợp Bộ Công thương đa dạng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông-thủy sản; Bộ Công thương cần định hướng, hỗ trợ tận dụng cơ hội từ hiệp định CPTPP, EVFTA và cơ hội khác để đa dạng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu và chú trọng thị trường nội địa; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu mối triển khai giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công… Cùng với đó cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/no-luc-hon-nua-de-nen-kinh-te-can-dich-92970.html