Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19

Cứu chữa người bệnh nguy kịch

Số liệu thống kê trong 7 ngày qua cho thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu rất lạc quan khi số ca nhiễm mới, số bệnh nhân nặng và số người tử vong giảm mạnh. Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận 611 ca F0 nhập viện tại các cơ sở điều trị, giảm 2,7% so với tuần trước. Số ca chuyển lên tầng 3 là 38 ca. Số ca nặng thở máy là 338 ca, giảm 25,2%. Số ca tử vong là 80 ca, giảm 20,8%. Trung bình mỗi ngày có 11 ca tử vong.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Đây là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ trong điều trị, đặc biệt là các trạm y tế lưu động lập danh sách các trường hợp nguy cơ để theo dõi, điều trị tại nhà. Cùng với đó là nỗ lực kiểm soát ở tầng điều trị 1, 2 của các địa phương, đơn vị để bệnh nhân không chuyển nặng, nguy kịch và sự hết mình cứu chữa người bệnh của các thầy thuốc ở tầng 3 để giúp bệnh nhân nguy kịch vượt qua cửa tử”. Cũng theo bác sĩ Chín, để giảm các F0 nặng và tử vong, Sở Y tế triển khai tập huấn trực tuyến theo mô hình Telehealth (nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa) nhằm nâng cao năng lực cho trạm y tế lưu động; thành lập nhóm bác sĩ điều trị Covid-19 hội chẩn Telehealth với các trường hợp bệnh khó; thường xuyên phân tích về mặt chuyên môn, rút kinh nghiệm trong điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hướng dẫn phương pháp phòng, điều trị bệnh nhân Covid-19

Đặc biệt, ngành y tế còn phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi, điều trị F0 tại nhà và tin học hóa trong theo dõi, điều trị F0 tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương phân loại bệnh nhân, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng để quản lý, giám sát ca bệnh. Các địa phương theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động, có đầy đủ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao để sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời nếu trở nặng.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - bác sĩ Dương Quý Sĩ, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết: “Thực tiễn tham gia khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Bình Dương cho thấy có 5 phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đạt hiệu quả cao là: Dinh dưỡng, tâm lý, giấc ngủ bệnh nhân, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và vệ sinh”. Nhấn mạnh về yếu tố dinh dưỡng, Giáo sư Dương Quý Sĩ cho rằng, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thiết kế tốt chế độ dinh dưỡng cho từng nhóm bệnh nhân Covid-19 theo tình trạng bệnh và theo bệnh nền sẵn có. Riêng đối với bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, thở máy, lọc máu, chạy thận, bệnh viện phối hợp tốt giữa bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ điều trị chỉ định dinh dưỡng theo nhu cầu năng lượng nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Lập danh sách nhóm nguy cơ cao để chăm sóc

Qua phân tích các trường hợp tử vong gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong cao tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó. Vì vậy, ngành y tế khẩn cấp hành động để bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó 2 nhóm đối tượng cần tập trung là những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền ở mọi độ tuổi. Hiện các trạm y tế và trạm y tế lưu động trong tỉnh lập danh sách các trường hợp có nguy cơ cao để theo dõi.

Bác sĩ Lâm Đình Duy, Trưởng trạm Y tế phường Đông Hòa, TP.Dĩ An cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc Covid-19 gồm: Ðái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư; bệnh thận mãn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch; bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh; bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh Thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; hen phế quản; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; đang điều trị bằng thuốc Corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống; bệnh lý khác đối với trẻ em. Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện cho người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao, trạm tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, có tư vấn, phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc Covid-19.

Trong khi đó, các bệnh viện thực hiện tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để theo dõi sức khỏe, cách ly bảo đảm việc giảm thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19 khi điều trị các bệnh thông thường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai các biện pháp phát hiện sớm người mắc bệnh không lây nhiễm đến khám, điều trị (bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản...) để quản lý điều trị kịp thời. Bệnh viện bố trí cán bộ hướng dẫn, tư vấn bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm bảo đảm chế độ ăn uống, vận động thể lực, tuân thủ điều trị và tự chăm sóc, theo dõi tại nhà.

Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với số giường hiện có là 4.506 giường. Toàn tỉnh đang có 864 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở điều trị, chiếm 19,2% số giường; trong đó, tầng 1 điều trị cho 254 bệnh nhân, tầng 2 là 697 bệnh nhân và tầng 3 là 213 bệnh nhân. Số bệnh nhân tầng 3 chủ yếu tại Khu điều trị Phú Chánh với 600 giường, Khu điều trị ICU của Bệnh viện Becamex không tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 mà tập trung tại Khu điều trị Phú Chánh.

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/no-luc-keo-giam-ty-le-tu-vong-do-covid-19-a263106.html