Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn

UBND thành phố vừa phê duyệt dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện đối với ngành hàng thịt heo của chợ Bến Thành (quận 1) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), sau đó mở rộng ra 12 chợ truyền thống.

Bà Dương Thị Minh Tâm - tiểu thương ngành hàng thịt heo, chợ Bến Thành (quận 1) phấn khởi: “Tôi rất mừng vì chợ Bến Thành được thành phố chọn thí điểm thành chợ an toàn thực phẩm (ATTP). Đây không chỉ là một trong những chợ lâu đời, nổi tiếng nhất, mà còn là “bộ mặt” của nền thương mại của thành phố trong hàng thế kỷ qua. Mấy ngày nay, tôi cùng chị em tiểu thương dọn dẹp lại quầy hàng tươm tất, hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, chúng tôi dần thay đổi thói quen kinh doanh, luôn chiều lòng khách hàng khi đến chợ”. Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) cho biết, hiện nay họ đã nhận thức và xác định được việc phải thay đổi trong hoạt động buôn bán, kinh doanh trong thời gian tới. “Việc áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm ATTP trong toàn khu vực chợ sẽ khiến cho các sản phẩm của chúng tôi được khẳng định uy tín, khách hàng tin tưởng hơn", tiểu thương Trần Thị Thơ kỳ vọng. Còn người tiêu dùng khi biết chủ trương này đều tỏ ra vui mừng, và mong chính quyền thành phố phải làm thật “chặt tay” để các tiêu chuẩn được thực hiện nghiêm. Nhiều người coi mô hình này như một giải pháp hiệu quả để đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Chợ đầu mối Hóc Môn là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho thành phố, với thị phần chiếm 50% đến 55%. Chợ có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tương đối nhu cầu kinh doanh thực phẩm, có khu nhà lồng chuyên kinh doanh thịt heo. Chợ Bến Thành là biểu tượng đặc trưng của chợ truyền thống, là chợ loại 1 trong quy hoạch, trung bình có hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Chợ có khu kinh doanh ngành hàng thực phẩm riêng biệt, có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tương đối nhu cầu kinh doanh thực phẩm. Để bảo đảm chợ ATTP, dự án đưa ra bốn nhóm tiêu chí về nguồn thực phẩm kinh doanh tại chợ; điều kiện người trực tiếp kinh doanh; cơ sở vật chất - kỹ thuật; hoạt động thanh, kiểm tra với quy định khá chặt chẽ. Nếu các tiêu chí này đạt, người tiêu dùng có thể yên tâm mua thực phẩm tại đây.

Đại diện Ban quản lý ATTP thành phố cho biết: Hiện ban đã bố trí tám đội quản lý liên quận, huyện và hai đội quản lý ATTP ở hai chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền. Những tiêu chí cơ bản mà tiểu thương phải đáp ứng là có giấy phép đăng ký kinh doanh, có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa vào chợ phải có nguồn gốc. Tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ có đội quản lý ATTP gồm 14 cán bộ. Đội sẽ phối hợp Ban quản lý chợ giám sát nguồn gốc thịt thông qua mã truy xuất nguồn gốc. Nguồn thịt an toàn sẽ được cung cấp đến các chợ truyền thống và tiểu thương bán lẻ khác. Ngoài thịt heo, cán bộ của đội hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả...

Ở chợ Bến Thành, không bố trí đội quản lý ATTP, mà trách nhiệm thuộc Ban quản lý chợ. Đội quản lý của Ban ATTP thành phố sẽ phối hợp Ban quản lý chợ và Phòng y tế quận thường xuyên hướng dẫn tiểu thương mở sổ truy xuất nguồn gốc, ghi chép nguồn hàng, số lượng bán hằng ngày để theo dõi… Quá trình kiểm tra, giám sát thực phẩm, hàng hóa tại hai chợ này, Đội quản lý ATTP nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ sẽ lấy mẫu giám định. Nếu kết quả có vi phạm sẽ xử lý nghiêm. PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho rằng: “Thực tế ghi nhận điều kiện kinh doanh tại chợ còn kém nên cần thực hiện những dự án thí điểm để nâng cấp, cải thiện. Theo tôi, bản thân chợ, tiểu thương cũng phải tự đầu tư nâng cấp, kiểm soát nguồn thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Gần đây, kênh phân phối hiện đại phát triển mạnh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tốt hơn. Do đó, nếu kênh phân phối truyền thống không thay đổi sẽ mất khách”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến, trong những năm qua, hệ thống phân phối phát triển nhanh, tạo nhiều kênh bán buôn, bán lẻ rộng lớn, phong phú, đa dạng. Hiện thành phố có 240 chợ đang hoạt động, trong đó có bảy chợ kinh doanh chuyên ngành và 233 chợ còn lại có kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng do thói quen, vẫn còn dễ dãi trong việc lựa chọn, mua sắm thực phẩm, chưa quan tâm đến điều kiện bảo quản, bao bì sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… cho nên chưa tạo được áp lực đủ lớn cho người kinh doanh tự giác điều chỉnh. Khi mô hình chợ bảo đảm ATTP thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra tất cả các chợ trên địa bàn. Các thương nhân tham gia mô hình thí điểm sẽ được hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị kinh doanh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35253502-no-luc-ngan-chan-thuc-pham-ban.html