Nỗ lực ngăn chặn tư tưởng Hồi giáo cực đoan tại Indonesia

Cứ mỗi dip cuối tuần, quán cà phê Kopi Gandroeng ở thành phố Yogyakarta (Indonesia) lại trở nên nhộn nhịp hơn khi có những người trẻ đến để ăn uống và giao lưu.

Nhưng đằng sau cảnh tượng có vẻ như thường thấy tại vô số hàng quán ở xứ sở vạn đảo, Kopi Gandroeng là một địa điểm đặc biệt, nơi góp phần giúp ngăn chặn tư tưởng Hồi giáo cực đoan len lỏi vào giới trẻ ở quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi này.

Theo The Straits Times, người sáng lập Kopi Gandroeng là ông Muhammad In’am Amin, anh của một thanh niên đã thiệt mạng sau khi trở thành tay súng Hồi giáo cực đoan. Wildan Mukhollad, em ông In’am, thể hiện năng khiếu ngôn ngữ và niềm đam mê với đạo Hồi từ nhỏ. Năm 2011, anh lên đường tới Ai Cập sau khi giành được một học bổng ngành tiếng Arab tại Đại học Al-Azhar ở Cairo. Thời gian đầu, những cuộc gọi về nhà của Wildan thường nói về cuộc sống, bạn bè và danh lam thắng cảnh tại đất nước kim tự tháp. Nhưng chỉ một năm sau, anh bắt đầu nói về “thánh chiến” hay “tử vì đạo”. Tới tháng 2-2014, gia đình Wildan bàng hoàng khi nghe tin anh đã thiệt mạng vì thực hiện vụ đánh bom xe liều chết ở Baghdad (Iraq). Khi đó, Wildan mới 19 tuổi.

 Ông Muhammad In’am Amin, chủ quán cà phê Kopi Gandroeng. Ảnh: The Straits Times

Ông Muhammad In’am Amin, chủ quán cà phê Kopi Gandroeng. Ảnh: The Straits Times

Ông In’am cho hay, sự việc đau lòng này đã làm đảo lộn tất cả. Những người láng giềng tẩy chay gia đình ông, thậm chí nói ông là kẻ khủng bố. Năm 2015, ông phải chuyển từ quê nhà Lamongan tới Yogyakarta. Từ lúc đó, ông quyết định góp sức ngăn cản những người trẻ khác phạm sai lầm như em mình. Ông In’am cùng một nhóm những người từng bị cực đoan hóa thành lập tổ chức có tên “Mạng lưới hòa bình”. Thông qua Kopi Gandroeng, tổ chức kết nối với các thanh niên tại địa phương, tuyên truyền cho họ về những tác hại của tư tưởng cực đoan. Ông cũng giúp những người từng gia nhập các nhóm khủng bố tái hòa nhập xã hội bằng cách cung cấp việc làm tại quán cùng nhiều hình thức khác. Ông In’am cho hay, mục đích chính của tổ chức nhằm giúp những người từng phạm sai lầm tạo dựng những mối quan hệ mới, từ bỏ mạng lưới cũ để từ đó ngăn ngừa nguy cơ bị lôi kéo trở lại.

Người chủ quán cà phê Kopi Gandroeng tâm niệm, những người trẻ thường gặp trở ngại trong việc tìm bản sắc cá nhân hoặc phải chịu nhiều áp lực xã hội. Nếu không có nền tảng giáo dục vững chắc, họ rất dễ bị tiêm nhiễm thông tin xấu độc như những lời kêu gọi tham gia các nhóm cực đoan. “Chúng tôi muốn nhắn nhủ với họ rằng, kinh Koran của đạo Hồi chứa đựng những lời dạy về lòng khoan dung, từ bi với vạn vật và tầm quan trọng của lòng tốt”, ông In’am chia sẻ.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/no-luc-ngan-chan-tu-tuong-hoi-giao-cuc-doan-tai-indonesia-654070