Nỗ lực thích nghi điều kiện mới

Hơn hai năm sau khi chuyển từ 'lò' Gia Lâm (huyện Gia Lâm) đến 'đại bản doanh' mới thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Mỹ Đình), thầy trò các tuyến trẻ của bộ môn bóng đá Hà Nội đang cố gắng thích nghi và phấn đấu đạt những thành tích mới.

Lâu nay, người ta gọi vui cơ sở đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội là "Hoàng Anh Gia Lâm". Cách gọi này đến từ thành công của trung tâm khi sản sinh ra những tài năng như: Hùng Dũng, Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng không thua kém gì Hoàng Anh Gia Lai có những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường.

Dù hệ thống đào tạo trẻ của bộ môn bóng đá Hà Nội đạt được nhiều thành công tại Gia Lâm nhưng những nhà quản lý vẫn mong muốn nhiều hơn. Đó là một phần lý do để các cấp quản lý đưa tuyến trẻ từ nơi ở thuê, tập thuê tại Gia Lâm chuyển về Mỹ Đình, với mong muốn “an cư lạc nghiệp”. Tại đây, các tuyến bóng đá trẻ Hà Nội chủ động hơn về sân tập, học văn hóa, trong đó có Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội nằm trong khuôn viên trung tâm.

 Buổi tập luyện của lứa U.11 thuộc bộ môn bóng đá Hà Nội. Ảnh: THÁI QUANG

Buổi tập luyện của lứa U.11 thuộc bộ môn bóng đá Hà Nội. Ảnh: THÁI QUANG

Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cầu thủ trẻ ngày càng cao, bộ môn bóng đá Hà Nội được bổ sung đào tạo thêm hai lứa U.9 và U.17, bên cạnh các tuyến U.11, U.13 và U.15. Việc đào tạo nhiều tài năng trẻ hơn đòi hỏi yêu cầu trách nhiệm đối với các huấn luyện viên cũng nặng nề hơn. Các thầy tại bộ môn bóng đá Hà Nội đều động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để có những sản phẩm đã tạo nên thương hiệu “Hoàng Anh Gia Lâm”. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn của lứa U.11 Hà Nội chia sẻ, việc chủ động giờ giấc, sân bãi khi về nơi ở mới đã giúp các huấn luyện viên rất nhiều trong việc đào tạo và huấn luyện cầu thủ.

Tuy vậy, hơn hai năm qua cũng là lúc hệ thống cơ sở vật chất bộ môn bóng đá Hà Nội tại Mỹ Đình có nhiều thay đổi như sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà ở, chưa có ngay đơn vị phụ trách nấu ăn cho cầu thủ. Điều đó dẫn đến bộ môn bóng đá Hà Nội phải đưa một số tuyến ra ở tại khu ký túc xá Mỹ Đình 2 khiến việc đưa đón, ăn nghỉ, học tập văn hóa của cầu thủ bị xáo trộn. Chưa kể, giờ học văn hóa lại không ổn định, trong khi đặc thù của bóng đá là chủ yếu tập ở sân cỏ vào buổi chiều. Sự trùng nhau giữa giờ học và giờ tập cũng là thách thức không nhỏ với người làm chuyên môn vì hiện tại, họ vẫn phải ưu tiên việc học văn hóa cho các cầu thủ trẻ.

Rõ ràng, sự khác nhau về điều kiện ăn nghỉ, học tập tại địa điểm tập huấn ở Gia Lâm và Mỹ Đình cần thời gian để giải quyết, đặc biệt phải đợi khi kết thúc sửa chữa nâng cấp hệ thống nhà ở, bếp ăn tại "đại bản doanh" mới. Trong lúc ấy, người làm chuyên môn phải vượt khó để duy trì chất lượng đào tạo. Ngay như gần đây, việc tuyển quân cho lứa U.9 cũng khó khăn khi chỉ tuyển được hơn chục cầu thủ do nhiều gia đình ngại cho con rời nhà từ sớm.

Thực tế, trong hơn hai năm qua, từ khi chuyển về "đại bản doanh" ở Mỹ Đình, chưa có thêm nhiều dấu ấn đặc biệt từ các tuyến trẻ của bộ môn bóng đá Hà Nội. Cũng không hẳn do bên trung tâm ở Gia Lâm hợp đất, hợp người, mà tất cả đang cần nỗ lực thích nghi với những điều kiện mới để phấn đấu đạt thêm nhiều thành tích cao hơn. "Hoàng Anh Gia Lâm" là một thương hiệu trong lòng người hâm mộ, đồng thời cũng là thương hiệu mà các thế hệ trẻ bóng đá Hà Nội cần vượt qua.

MINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/no-luc-thich-nghi-dieu-kien-moi-797745