Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm, triển khai có hiệu quả...
Tạo động lực nâng cao dân trí
Huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hiện có 8 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại trung tâm huyện.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Châu Thành là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển giáo dục, thường xuyên được lãnh đạo các cấp ngành theo dõi, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát. Việc động viên, chăm lo đời sống đối với người học luôn được quan tâm chú trọng thực hiện tốt và điều này đã mang lại hiệu quả cao, là động lực thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt mục tiêu, tiến độ.
Thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện Châu Thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Về công tác huy động các lớp xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, năm 2022 toàn huyện mở được 17 nhóm, lớp với 108 người học, đạt 108%, tăng 3,8%; huy động 30 lớp phổ cập giáo dục THCS, được 504 người học, đạt 168%. Thực hiện việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã, năm 2022 trên địa bàn huyện có 2 xã xếp loại tốt, 5 xã xếp loại khá, 1 xã xếp loại trung bình. Về tiêu chí đánh giá xếp loại các trung tâm học tập cộng đồng, kết quả có 5 xã xếp loại tốt, đạt 65,5% và 3 xã xếp loại khá, đạt 37,5%.
Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2022 - 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững... Ngoài việc được đầu tư nâng cấp trường lớp, quan tâm đến công tác giáo dục, học sinh dân tộc, học sinh thuộc hộ nghèo được cả xã hội chung tay quan tâm…
Năm học 2022 - 2023, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ của huyện Châu Thành thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục thường xuyên đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; Đa dạng hóa nội dung chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học tập liên tục, suốt đời theo Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2021 - 2030”.
Nỗ lực từ các địa phương trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Sóc Trăng đạt kết quả khả quan. Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 481 trường học các cấp, trong đó 463 trường công lập (gồm 39 trường THPT, 107 trường THCS, 199 trường tiểu học, 118 trường mẫu giáo) và 18 trường ngoài công lập ở các cấp học.
Vùng đồng bào dân tộc, năm học vừa qua, tổng số học sinh dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ bậc mầm non đến THPT là 92.726 em, chiếm 35,59% số học sinh toàn tỉnh; trong đó học sinh dân tộc Khmer chiếm 30,73%, dân tộc Hoa chiếm 4,86%. Hiện toàn tỉnh có 133 trường học dạy tiếng Khmer với 42.204 học sinh; 5 trường, 54 lớp dạy tiếng Hoa với 1.627 học sinh. Ngoài ra, địa phương còn có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với hơn 3.000 học sinh theo học hàng năm.
Nâng cao cơ hội học tập trong cộng đồng
Ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có nhiều chuyển biến tích cực.
Tính đến cuối năm 2022, ở bậc mầm non, số lượng trẻ em trong độ tuổi được huy động ra lớp chiếm gần 100% và số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non chiếm trên 99%. Cấp tiểu học, trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 100%, số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chiếm trên 97%, số trẻ còn lại đang theo học tại các trường tiểu học trong huyện, số trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ trên 99%.
Đối với bậc THCS, tỷ lệ huy động trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt gần 100%, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt trên 97%, tăng hơn 2% so với năm 2021.
Công tác xóa mù chữ trong năm cũng được ban chỉ đạo huyện quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ và có bước chuyển biến đáng kể. Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn huyện có trên 98% số người trong độ tuổi 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 1, có 93% số người trong độ tuổi 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 2 và 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.
Qua công tác kiểm tra của Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Tiểu Cần, kết quả đạt được đáng ghi nhận. Đến thời điểm tháng 12/2022, huyện Tiểu Cần đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.
Theo ông Hồ Chí Cường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiểu Cần, toàn huyện có 12 trường mầm non, mẫu giáo; 18 trường tiểu học; 11 trường THCS; 3 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 11 trung tâm học tập cộng đồng.
Tính đến tháng 11/2022, huyện Tiểu Cần có 22 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 2 trường mẫu giáo, mầm non; 12 trường tiểu học, 5 trường THCS, 2 trường THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT.
Về phổ cập xóa mù chữ, toàn huyện Tiểu Cần có 99,01% người từ 15 - 60 tuổi đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; có 95,01% người từ 15 - 60 tuổi đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 11/11 xã - thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.