Nỗ lực thực hiện các mục tiêu chuẩn hóa giáo viên mầm non

Song song với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo hướng căn bản, toàn diện, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, yếu tố giáo viên và chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng vẫn được coi là then chốt trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT hiện nay.

Song song với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo hướng căn bản, toàn diện, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, yếu tố giáo viên và chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng vẫn được coi là then chốt trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT hiện nay.

Những năm qua, cấp học mầm non nỗ lực thực hiện đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, giáo viên chính là những người trực tiếp triển khai, thực hiện những yêu cầu đổi mới này. Theo bà Nguyễn Thúy Hường, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non- Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT), để góp phần giúp đội ngũ giáo viên mầm non có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ của giáo dục mầm non (GDMN), thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp cho mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng và thực hiện chuẩn hóa đội ngũ, quan tâm thường xuyên tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục tích cực đổi mới các hoạt động chuyên môn (đa dạng hóa hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức hội giảng, hội thảo theo cụm trường, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, công tác thông qua mạng Internet…). Bên cạnh đó, ngành đã có sự đánh giá thường xuyên chất lượng giáo viên mầm non với các yêu cầu cao về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng và hiệu quả công tác; khuyến khích và vận động giáo viên tích cực thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động với mục đích khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ.

100% giáo viên mầm non của huyện Kim Bảng có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong ảnh, một buổi giáo dục kiến thức cho trẻ của giáo viên Trường Mầm non Nhật Tân (Kim Bảng)

Được biết, để bảo đảm các mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ mầm non, ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN đã triển khai tốt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018-2025, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019. Theo đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình; giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 được tỉnh cấp kinh phí để tham gia đào tạo. Chỉ riêng năm 2021, ngành đã cử đi đào tạo 100% số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2025 có 100% giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn theo quy định. Cùng với đó, hằng năm, Sở GD&ĐT còn chủ động tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập; tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người nấu ăn trong các cơ sở GDMN theo quy định; phối hợp tổ chức tập huấn các kỹ năng hữu ích trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ… góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non.

Ở huyện Kim Bảng, đánh giá về chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non qua các năm học cho thấy, nhìn chung, đội ngũ giáo viên mầm non của có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo và có tinh thần học tập tích cực để nâng cao nhận thức, trình độ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay. Bà Vũ Thị Tuyết, Tổ Mầm non Phòng GD&ĐT Kim Bảng cho biết: Toàn huyện hiện có 608 giáo viên mầm non, trong đó đã có 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, hơn 90% có trình độ trên chuẩn. Hằng năm, căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, tỉ lệ giáo viên mầm non của huyện được xếp loại năng lực khá, tốt ở mức cao, hầu hết giáo viên của cấp học đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong từng năm học.

Với tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, giáo viên Trường Mầm non Trung Lương (Bình Lục) đã được chuẩn hóa và thực hiện tốt nhiệm vụ

Với tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, giáo viên Trường Mầm non Trung Lương (Bình Lục) đã được chuẩn hóa và thực hiện tốt nhiệm vụ

Xác định đội ngũ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện, bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục từng năm học, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non luôn được huyện Kim Bảng quan tâm đặt lên hàng đầu. Nhiều năm nay, ngành Giáo dục huyện đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tất cả các giáo viên mầm non có nhu cầu, nguyện vọng học tập nâng cao trình độ đều được tạo điều kiện tham gia đầy đủ. Tại các trường mầm non trên địa bàn, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn được duy trì nền nếp, hiệu quả, tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy những kỹ năng sư phạm, kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ cần thiết cho đội ngũ giáo viên.

Trên cơ sở xác định rõ tầm quan trọng của việc duy trì, tổ chức các hội thi dành cho đội ngũ giáo viên nhằm góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ, ngành Giáo dục đã làm tốt việc tổ chức các hội thi- nhất là hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó có hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non. Qua đó, tạo điều kiện cho giáo viên toàn ngành có cơ hội được phấn đấu và khẳng định mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên thực tế, các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non từ cấp trường đến cấp tỉnh là dịp để các giáo viên thể hiện năng lực dạy học thông qua việc phân tích các bài học, chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm về giảng dạy và tổ chức lớp học cũng như khả năng khai thác, sử dụng các đồ dùng dạy học trong trường mầm non.

Trong các năm học, 6/6 phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và 119/119 trường mầm non đã tổ chức tốt hội thi giáo viên dạy giỏi; hội thi cán bộ quản lý và giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ. Ghi nhận từ thực tế, trải qua các phần thi, đại đa số giáo viên đã chuẩn bị tốt kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục, có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; nhiều tiết dạy thể hiện tốt tính sáng tạo trong việc lồng ghép dạy học tích hợp, dạy học gắn với thực tiễn; có nhiều biện pháp giáo dục có tính khả thi, làm nổi bật nội dung đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục… đã khẳng định rõ nét về năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên. Hơn thế, hội thi còn giúp cho ngành Giáo dục nói chung và các cơ sở GDMN nói riêng có thêm điều kiện đánh giá sát thực hơn về thực trạng đội ngũ giáo viên của từng cấp học cũng như của từng đơn vị để lấy đó làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Với nhiều biện pháp tích cực, ngành Giáo dục đã có sự nỗ lực lớn trong việc thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng. Vì vậy, đến nay, trong tổng số hơn 3.900 giáo viên mầm non toàn tỉnh đã có gần 92% người có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/no-luc-thuc-hien-cac-muc-tieu-chuan-hoa-giao-vien-mam-non-106993.html