Nỗ lực và vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Việc Mỹ quay trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu chính là nhằm thực hiện cam kết của Tổng thống Biden đó là Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo của mình trong các vấn đề quốc tế.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 26 diễn ra tại Anh, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đưa ra những cam kết nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, đáng chú ý, hơn 20 nước đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hồi tháng 9 vừa qua với mục đích thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu trước thềm COP 26. Cùng với sáng kiến này, trước thềm hội nghị COP26, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các nước châu Âu đã đưa ra những cam kết đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

“Nước Mỹ đã trở lại”

Ngay ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và tiếp đó là một loạt những cam kết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Việc Tổng thống Biden ngay sau nhậm chức đã đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp đinh Paris về biến đổi khí hậu là một trong những bước đi nhằm khẳng định “nước Mỹ đã trở lại”, Mỹ sẽ can dự với thế giới nhiều hơn nhằm lấy lại hình ảnh, vai trò lãnh đạo của mình vốn được cho là đã sụt giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Không chỉ đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Biden hồi tháng 4 đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu với các nhà lãnh đạo thế giới và tại đó, Tổng thống Biden cam kết cắt giảm ít nhất 50%-52% lượng khí phát thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. Con số này gần gấp đôi mức cắt giảm mà chính quyền Tổng thống Barack Obama cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Ông Biden còn kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế hướng tới mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, Tổng thống Biden cũng hứa đến năm 2024 sẽ tăng gấp đôi số tiền tài trợ hàng năm dành cho những dự án liên quan đến khí hậu ở các nước đang phát triển.

Tiếp đó là vào tháng 9, tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Biden cũng đã có bài phát biểu và một trong những nội dung được ông Biden đề cập chính là biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nói rằng cuộc khủng hoảng là "không biên giới". Ông Biden khẳng định sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi các nguồn tài chính công quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nỗ lực huy động 100 tỉ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển hành động chống biến đổi khí hậu.

Việc Mỹ quay trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu chính là nhằm thực hiện cam kết của Tổng thống Biden đó là Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo của mình trong các vấn đề quốc tế, như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và giảm nhẹ đại dịch. Tuy sự trở lại của Mỹ nhận được phản ứng tích cực từ hầu hết đồng minh và đối tác, nhưng giới phân tích cho rằng việc thực hiện cam kết hiệu quả mới là vấn đề cốt yếu giúp Washington củng cố uy tín trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề quốc tế đáng quan tâm khác.

Thế giới kỳ vọng Mỹ sẽ đi đầu trong cuộc chiến đầy thử thách này

Kể từ khi nhậm chức, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa một số cam kết và mục tiêu nhiều tham vọng trong cuộc chiến chống nóng ầm toàn cầu như tôi vừa nêu ở trên và những mục tiêu đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong kế hoạch lớn hơn của Tổng thống Biden đó là khử các-bon hoàn toàn nền kinh tế Mỹ vào năm 2050. Với việc đưa ra những mục tiêu đó, tại hội nghị COP26, Tổng thống Biden muốn chứng tỏ với lãnh đạo các nước tham dự rằng Mỹ đã trở lại trong cuộc chiến chống nóng ấm toàn cầu.

Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ trì hoãn thông qua dự luật chi tiêu xã hội, trong đó dự kiến đầu tư hàng trăm tỷ đô-la vào phát triển năng lượng sạch thời gian tới sẽ khiến Tổng thống Biden khó thuyết phục được thế giới rằng ông có thể thực hiện cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Mỹ. Ông John Podesta, chuyên gia cao cấp của Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Yale và từng là Cố vấn về khí hậu của cựu Tổng thống Obama, cho rằng nếu phái đoàn hàng chục quan chức và nghị sĩ Mỹ đến COP26 mà không có thỏa thuận khí hậu trong nước, sự tín nhiệm của Mỹ sẽ một lần nữa gặp vấn đề thực sự.

Thực tế, bản thân Tổng thống Biden mong muốn hiện thực hóa các cam kết của mình và chứng tỏ vai trò dẫn dắt của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những chia rẽ và ràng buộc chính trị trong nước sẽ khiến ông Biden không có nhiều dư địa, hay nói cách khác là chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc hiện thực hóa các mục tiêu và cam kết mà nước Mỹ đã đề ra trong bối cảnh hiện tại./.

Phạm Huân-Quang Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/no-luc-va-vai-tro-cua-my-trong-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-toan-cau-901902.vov