Nỗ lực về đích mục tiêu xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu trong nửa đầu năm nay không đạt thành tích như kỳ vọng, song Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Điểm sáng xuất khẩu

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1%, nhập khẩu ước đạt 120,78 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu giảm tốc sau nửa đầu năm

Xuất khẩu giảm tốc sau nửa đầu năm

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thách thức, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% trong quý I/2019, sang quý II tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện hơn qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 (6 tháng năm 2018 tăng 14,6% so với cùng kỳ và 6 tháng năm 2017 tăng 18,75% so với cùng kỳ) nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu từ 7%- 8% trong năm 2019.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý II/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng từ mức 82% của nửa đầu năm 2018 lên 83,5% trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thực sự bền vững. Cán cân thương mại chưa ổn định. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý là, chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá cả) còn phổ biến…

Đa dạng giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 122,42 tỷ USD, thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra (là 123,5 tỷ USD). Như vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng từ 8 -10% Chính phủ giao cho ngành Công Thương (tương đương 263 tỷ USD), xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018, trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng được cho không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương xác định từ nay tới cuối năm sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu; xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” và “mượn xuất xứ” của Việt Nam để vào Mỹ.

Bộ Công Thương cũng sẽ thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Đối với Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định, sớm đưa những cam kết có lợi của hiệp định vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, VCCI và các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ, tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, ngăn chặn nguy cơ gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/no-luc-ve-dich-muc-tieu-xuat-khau-122627.html