Nỗ lực vì mục tiêu 'Nam dược trị Nam nhân'

Trung bình mỗi năm khám, chữa bệnh (KCB) cho khoảng 25.000 lượt người, duy trì tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm, vận động hội viên tích cực nhân rộng mô hình vườn thuốc tại gia đình… Hội Đông y TP Hòa Bình đã, đang nỗ lực để phát huy giá trị nền y dược cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hội viên Hội Đông y thành phố Hòa Bình trong chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc).

Hội viên Hội Đông y thành phố Hòa Bình trong chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc).

Ở thời điểm hiện tại, y học hiện đại đang phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, y học cổ truyền (YHCT) vẫn có vai trò quan trọng, là phương pháp chữa bệnh được nhiều người lựa chọn. Trên địa bàn thành phố hiện có 16 phòng chẩn trị đông y có giấy phép hoạt động, bao gồm cả Khoa Đông y của Trung tâm Y tế thành phố. 19/19 xã, phường có Hội Đông y, hầu hết các trạm y tế xã, phường đều có cán bộ làm công tác chuyên trách đông y. Lương y Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố chia sẻ: Với lực lượng khá đông đảo, gần 390 hội viên, trong 5 năm qua, các hội viên Hội Đông y thành phố đã KCB cho trên 125.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, điều trị không dùng thuốc cho trên 96.000 lượt người. Nhiều hội viên đã ứng dụng các phương pháp khoa học như: Đèn chiếu, châm cứu, điện châm, thủy châm, xoa bóp, day, ấn huyệt, giác hơi... Bằng các phương thuốc, bài thuốc gia truyền, nhiều hội viên đã chữa trị dứt điểm, hiệu quả căn bệnh cấp, mãn tính thường gặp như: Hen phế quản, đau dạ dày, viêm gan, sỏi thận, đau đại tràng mãn, thấp khớp, thần kinh tọa…

Nhằm kế thừa, phát huy tốt những giá trị của y, dược học cổ truyền, cùng với việc duy trì tổ chức các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, lưu giữ, phổ biến những bài thuốc hay, cây thuốc quý của các lương y có tay nghề, Hội đặc biệt chú trọng tới công tác chuyên môn cho hội viên. Một mặt, tích cực vận động hội viên trồng, thu hái, bào chế, bảo tồn nguồn dược liệu. Đến nay, các hội viên đông y trên địa bàn thành phố đã phát triển được 105 vườn thuốc tại nhà. Các chi hội đông y phối hợp trạm y tế xã, phường xây dựng được 19 vườn thuốc tập thể để chủ động nguồn dược liệu, hướng tới mục tiêu tỷ lệ sử dụng thuốc nam tại các cơ sở điều trị đạt mức 30% trở lên. Bởi thực tế ngày càng có nhiều bệnh nhân chọn khám, điều trị bệnh bằng YHCT.

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X) về "Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Hội Đông y thành phố đã tổ chức tuyên truyền trong Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của y, dược học cổ truyền. Để tạo sự lan tỏa, Hội đẩy mạnh hoạt động thăm khám, chữa bệnh miễn phí bằng YHCT cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, trong 5 năm qua, các chi hội, hội viên đã sử dụng trên 4,2 triệu thang thuốc để KCB từ thiện cho đối tượng yếu thế. Hoạt động này được xem như một cách tuyên truyền hiệu quả mong ước của vị sư tổ thuốc nam là Đại danh y -Thiền sư Tuệ Tĩnh: "Nam dược trị Nam nhân”. Tạo nền tảng để thực hiện tốt hơn việc kế thừa, phát huy, phát triển ứng dụng các bài thuốc gia truyền, những phương pháp chữa bệnh độc đáo theo YHCT trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn.

Lam Nguyệt

(Hội Nhà báo tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/152220/no-luc-vi-muc-tieu-nam-duoc-tri-nam-nhan.htm