Nỗ lực vượt khó để triển khai sản xuất vụ đông xuân

Các đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng ngàn héc ta đất sản xuất bị bồi lấp, gây sạt lở, hư hỏng nhiều công trình thủy lợi… Để chủ động tổ chức sản xuất vụ đông xuân, từ thời điểm này, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân đang tập trung khắc phục thiệt hại, đảm bảo tiến độ sản xuất.

 Huy động máy móc để san ủi mặt bằng đồng ruộng bị đất cát vùi lấp do thiên tai - Ảnh: T.Q

Huy động máy móc để san ủi mặt bằng đồng ruộng bị đất cát vùi lấp do thiên tai - Ảnh: T.Q

Chồng chất khó khăn

Theo thông lệ hằng năm, cứ vào cuối tháng 11 dương lịch là nông dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng bắt đầu ra đồng làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của các đợt lũ lụt kéo dài nên hiện nay nhiều diện tích đồng ruộng của xã Hải Định vẫn đang ngập trong nước. Nước lũ cũng đã làm một số diện tích bị rác thải, đất đá vùi lấp; các công trình thủy lợi như kênh mương nội đồng, trạm bơm cũng bị hư hỏng nặng. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc cho biết, nếu như hằng năm vào thời điểm này xã Hải Định đã cơ bản hoàn thành việc kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị bơm tiêu úng để bắt đầu làm đất, sẵn sàng cho việc gieo cấy thì vụ đông xuân năm nay do nước lũ ngập sâu đã làm toàn bộ máy móc của các trạm bơm bị hư hỏng hoàn toàn, một số chân ruộng bị vùi lấp… Theo ông Lộc, để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân đúng tiến độ, UBND xã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) tập trung tu sửa kênh mương, khắc phục máy móc hư hỏng, huy động thêm máy bơm của xã viên để bơm tiêu úng; tổ chức ra quân vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng… Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là thời tiết tiếp tục diễn biến không thuận lợi; các loại lúa giống, vật tư phân bón nông dân chuẩn bị cho sản xuất đông xuân đã bị nước lũ làm hư hỏng, cuốn trôi.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Lê Đình Lễ thông tin, nếu như những năm trước vào thời điểm này nhiều diện tích đã được nông dân cày ải, vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng gieo cấy thì hiện nay toàn bộ cánh đồng của huyện vẫn chìm trong nước. Một số diện tích ruộng lúa còn bị bèo lục bình và các loại rác thải, cây gỗ, chai lọ thủy tinh… phủ kín. Tình trạng này làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất vụ đông xuân. Theo ông Lễ, nếu đồng ruộng bị bèo lục bình vùi lấp thì xử lý đơn giản, chỉ cần dùng máy cày lắp bánh lồng cày nhuyễn nhưng ở đây bèo lại lẫn với cành cây, rều rác, chai thủy tinh… nên phải dọn dẹp bằng tay. Ngoài ra, nhiều hệ thống kênh mương nội đồng, trạm bơm điện hiện vẫn còn ngập trong nước nên chưa thể triển khai khắc phục được.

Tại huyện Triệu Phong, việc triển khai sản xuất vụ đông xuân cũng đang gặp không ít khó khăn do các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp bị nước lũ phá hỏng; nhiều diện tích đồng ruộng bị đất cát, phù sa bồi lấp nghiêm trọng. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng cho hay, theo thống kê, toàn huyện có gần 30 km kênh mương nội đồng bị sạt lở, nước lũ cuốn trôi; 16 trạm bơm điện công suất lớn của các HTX bị hư hỏng; 220 ha diện tích trồng lúa bị đất cát vùi lấp, tập trung chủ yếu ở các xã Triệu Hòa, Triệu Long, Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Phước, Triệu Độ… Sau lũ, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục, tổ chức ra quân vệ sinh đồng ruộng nhưng do lượng đất cát, phù sa bồi lấp quá lớn, có nơi lên tới 0,7 - 1 m nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân.

Ưu tiên nguồn lực cho sản xuất

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng, để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân đúng tiến độ, huyện đã phát động phong trào ra quân làm thủy lợi để nạo vét kênh mương, xử lý bùn đất bồi lấp, sửa chữa các bờ bao nội đồng bị sạt lở. Vận động nông dân bằng mọi nguồn lực, tái thiết cơ sở hạ tầng chuẩn bị tốt cho sản xuất, tuyệt đối không được để đồng ruộng bỏ hoang. Ưu tiên sửa chữa các công trình quan trọng như kè Duy Phiên, Bắc Phước để chống xâm nhập mặn, các trạm bơm, tuyến kênh đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Đối với những công trình như cầu máng bị gãy trôi, các trạm bơm lớn, các tuyến kênh có sự đầu tư kinh phí lớn thì bố trí xây dựng những trạm bơm tạm thời để đủ nước phục vụ kịp thời cho sản xuất trong khi chờ đợi nguồn vốn hỗ trợ để khắc phục. Chuyển đổi cây trồng khác đối với những diện tích ruộng lúa bị bồi lấp không có khả năng canh tác. Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, huyện cũng đã chỉ đạo các HTX chuẩn bị đầy đủ nguồn giống lúa và rau màu các loại để đảm bảo sản xuất.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Lê Đình Lễ thông tin thêm, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện dự kiến đưa vào gieo cấy khoảng 6.800 ha với các giống lúa chủ lực như Khang Dân. Ma Lâm 48, HN6, HT1, An Sinh 1399… Để thực hiện đúng khung lịch thời vụ, huyện Hải Lăng đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các HTX khẩn trương tu sửa máy móc, kênh mương, huy động thêm các máy bơm dầu để bơm tiêu úng… Hiện nay người dân đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực để nước rút đến đâu tập trung làm đất đến đó, đảm bảo tiến độ sản xuất.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang, để chủ động tổ chức sản xuất vụ đông xuân, các địa phương và nông dân cần khẩn trương khôi phục đồng ruộng, cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ. Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc BVTV... để tiến hành gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ; tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống không rõ nguồn gốc, giống không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh vào sản xuất. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, be bờ giữ nước, làm đất sớm như cày lật gốc rạ, xử lý chế phẩm phân hủy gốc rạ, vùi gốc rạ; bón vôi xử lý đồng ruộng; ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương. Tập trung cải tạo diện tích đất lúa, đất màu bị vùi lấp do thiên tai gây ra.

Cụ thể, đối với diện tích đất lúa bị vùi lấp dưới 30 cm cần tập trung phương tiện, nhân lực để giải phóng khối lượng đất cát trên đồng ruộng, san ủi mặt bằng, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng bằng vôi và các chế phẩm vi sinh để kịp thời làm đất gieo cấy vụ đông xuân; đối với vùng đất bị vùi sâu trên 30 cm, có thể cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi, các chế phẩm vi sinh, sau đó làm đất, lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp như rau các loại, ngô, lạc... Riêng địa bàn huyện Hướng Hóa, do vấn đề an ninh lương thực, cần tập trung khôi phục 400 ha diện tích đất lúa bị vùi lấp trên 1 m để tổ chức sản xuất trong vụ đông xuân. Đối với diện tích đất màu bị vùi lấp cần tập trung cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi, các chế phẩm vi sinh, sau đó làm đất gieo trồng các loại cây màu phù hợp từng vùng đất. “Đối với việc xử lý đồng ruộng bằng vôi và các chế phẩm vi sinh, để đảm bảo hiệu quả cao nhất khoảng cách giữa lần xử lý vôi và các chế phẩm vi sinh phải cách nhau ít nhất 7 ngày”, ông Trang lưu ý.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153854