Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Nhằm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020', Quyết định 448/ QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam, các thông tư, chỉ thị của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong thời gian qua Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (BCĐ XDXHHT) tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, hướng đến xây dựng một XHHT vững mạnh trên địa bàn.

 Trung tâm học tập cộng đồng trở thành nơi học tập các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: NHƠN BỐN

Trung tâm học tập cộng đồng trở thành nơi học tập các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: NHƠN BỐN

Đến nay, việc triển khai đánh giá, xếp loại, công nhận 4 mô hình học tập gồm “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã bước đầu xác định được tính phù hợp, khả thi của các tiêu chí, minh chứng, quy trình đánh giá, cách cho điểm, xếp loại 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã; xác định được vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của Hội Khuyến học, ngành Giáo dục cũng như các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong quá trình tổ chức, đánh giá, xếp loại, công nhận 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã. Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục người lớn và lợi ích thiết thực của việc học tập do người lớn thực hiện như: Công chức, viên chức học vì công việc, người lao động học để có nghề nghiệp và sống được bằng nghề đã học…

Xây dựng các mô hình học tập là điều kiện để xây dựng mô hình cộng đồng học tập cấp xã. Xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” là một cách làm sáng tạo để xây dựng XHHT từ cơ sở. Từ phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã có tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng… Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình, làng bản, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có 139.605 gia đình đăng ký “Gia đình học tập” và số gia đình được công nhận là 132.151 gia đình (đạt tỉ lệ 80,05%); 1.682 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” và số dòng họ được công nhận 1.419 dòng họ (đạt tỉ lệ 68,22%); 1.014 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở và số cộng đồng được công nhận 939 cộng đồng (đạt tỉ lệ 85,13%); 801 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” cấp cơ sở và số đơn vị được công nhận 712 đơn vị (đạt tỉ lệ 86,93%). Tỉ lệ đạt được của các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã đều vượt mức từ 10% trở lên so với chỉ tiêu của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề ra… Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo cho người dân… Đến nay, toàn tỉnh có 141 TTHTCĐ cấp xã; 768 TTHTCĐ thôn, bản…

Để tiếp tục nỗ lực xây dựng XHHT, thời gian tới các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các đề án của Chính phủ, các văn bản của địa phương liên quan đến xây dựng XHHT; xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn năm 2021 - 2030; Hội Khuyến học các cấp làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đưa nội dung về xây dựng XHHT và xây dựng mô hình “Công dân học tập” vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch công tác của chính quyền các cấp; ngành Giáo dục, Hội Khuyến học đồng cấp chủ động trong việc phối hợp với UBMTTQVN, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp… để tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương và địa phương liên quan đến xây dựng XHHT và xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn năm 2021 - 2030 cho cán bộ, hội viên, người lao động và cộng đồng dân cư; tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT…; nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với việc triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” góp phần xây dựng cả nước trở thành XHHT;

Hội Khuyến học các cấp cùng với ngành Giáo dục củng cố và nâng cao chất lương hoạt động của các TTHTCĐ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong các lĩnh vực tư tưởng, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống; củng cố, kiện toàn BCĐ XDXHHT cấp tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn…; gắn nhiệm vụ xây dựng mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập”… vào nhiệm vụ của từng địa phương, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị để góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở; phát huy kết quả đã đạt được của các mô hình học tập trong thời gian qua, để xây dựng lộ trình triển khai mô hình “Công dân học tập” , “Đơn vị học tập” cấp tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương…

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152853