Nỗ lực xử lý các điểm nóng về chất độc hóa học sau chiến tranh

Chiều 9-6, Binh chủng Hóa học tổ chức gặp mặt kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và thông tin về công tác khắc phục hậu quả chiến tranh; xử lý sự cố môi trường; phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Việt Nam.

Dự buổi gặp mặt có Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, kiêm Tổng giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) - Trưởng Cơ quan thường trực Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Đại tá Trịnh Thành Đồng, Chính ủy Binh chủng Hóa học; đại biểu lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thời gian qua, Binh chủng Hóa học đã làm tốt công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường với những kết quả nổi bật: Điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc hóa học dioxin tại 7 sân bay quân sự, sân bay dã chiến với tổng diện tích hơn 11.000 ha; xử lý gần 200.000 m3 đất nhiễm dioxin bằng biện pháp chôn lấp cô lập tại sân bay Biên Hòa; xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng.

Ngoài ra, trung tâm đã chủ trì thực hiện nhiều dự án điều tra, phúc tra thu gom và xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ với khối lượng hơn 600 tấn chất độc, 10.000 tấn đất nhiễm và đạn dược chứa chất độc CS…

Thiếu tướng Hà Văn Cử phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thiếu tướng Hà Văn Cử phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thời gian tới, Binh chủng Hóa học xác định tiếp tục xử lý triệt để các điểm nóng, các khu tồn dư chất độc và thực hiện các giải pháp tái tạo, phục hồi, hoàn trả môi trường an toàn; triển khai dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay A So (A Lưới, Thừa Thiên Huế); xây dựng phương án, vận động tài trợ, ứng dụng công nghệ xử lý triệt để đất ô nhiễm tại sân bay Phù Cát; tổ chức khảo sát đánh giá tổng thể, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số hóa ô nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý thông tin hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời tìm kiếm các giải pháp, tiến hành hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

 Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Bên cạnh đó, binh chủng sẽ tiếp tục đầu tư trang bị kỹ thuật, công nghệ và con người đủ khả năng ứng phó, khắc phục các nguy cơ sự cố hóa chất độc xạ, ô nhiễm môi trường và các tình huống dịch bệnh nguy hiểm; xử lý chất thải quốc phòng và công nghiệp nguy hại... giữ vững tuyến phòng thủ dân sự trong lĩnh vực hóa học, môi trường, giữ gìn sự bình yên, môi trường sinh sống trong lành cho nhân dân.

Cũng tại buổi gặp mặt, Bộ tư lệnh Hóa học - Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81) đã ra mắt Trang thông tin điện tử của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ra mắt Trang thông tin điện tử của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ra mắt Trang thông tin điện tử của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kể từ khi Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11-11-2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. ra đời, Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Chính phủ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ đúng quy định, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực phòng ngừa, ứng phó tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tin, ảnh: NGỌC HÂN - DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/no-luc-xu-ly-cac-diem-nong-ve-chat-doc-hoa-hoc-sau-chien-tranh-696831