Nở sáng một vùng biên

Tôi có nhiều năm công tác ở núi rừng và có nhiều chuyến đi đến những vùng biên cương của Tổ quốc. Mỗi miền đất, miền người nơi non cao rừng thẳm, bưng biền sông nước hay biển đảo xa xôi đều gắn với những loài hoa xứ sở. Những sắc hương nơi sơn cùng thủy tận ấy sẽ trở thành dấu vân chỉ, chấm son nở sáng trên bản đồ địa chí văn hóa của những vùng biên cương.

Cuối tháng vừa rồi, tôi có cuộc hành trình về với Điện Biên. Vẻ hùng vĩ của núi, cái chênh vênh của đèo, sự ghềnh thác của sông và sắc xanh ngằn ngặt từ rừng nhắc nhớ tôi về một miền biên thùy xa ngái gắn với quá trình khai mở, định hình bờ cõi, giữ gìn cương thổ của các vương triều Việt Nam. Điện Biên cùng với Điện Biên Phủ còn là niềm kính ngưỡng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nỗi khiếp đảm của kẻ xâm lược trước tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh quật cường chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Điện Biên, mảnh đất của 21 đồng bào dân tộc cùng chung sống, ngoài phần hiển lộ đặc sắc về văn hóa tộc người mà chúng ta từng thấy, thì còn rất nhiều những trầm tích văn hóa cần được khai mở. Và còn nữa một Điện Biên trữ tình, thơ mộng-miền hoa lá, cỏ cây, mà “đặc sản” ấn tượng nhất là hoa ban. Nhiều người nói với tôi rằng, họ nương theo sắc trắng hoa ban, lần theo nhịp điệu của xòe Thái để lên với Điện Biên. Đất này thực sự là “kinh đô” của nàng ban, du lịch Điện Biên không thể tách rời hoa ban với các lễ hội hoa ban. Từ Tuần Giáo, qua Mường Ẳng, đến TP Điện Biên Phủ dọc hai bên Quốc lộ 6 là điệp điệp ban mướt mát và những trảng rừng ban thấp thoáng, để mỗi dịp tháng ba đất trời Điện Biên sẽ được phủ ngập một màu trắng ngợp.

Qua TP Điện Biên Phủ, tôi ngược lên xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, xã tột cùng phía Tây Việt Nam. Miền đất ấy một phần thanh xuân tôi gửi lại. Đôi chân trai tráng của tôi, của đồng đội tôi đã lần tìm theo dấu chân trần, dấu dép cỏ, dấu giày vải... của lớp lớp những người lính biên thùy trấn ải cực Tây để tô đậm thêm đường biên của Tổ quốc. Vị thần thời gian đến với Mường Nhé bằng hai vũ điệu, ấy là vũ khúc mưa kéo dài từ tháng năm đến cuối tháng mười và ngài nhảy tưng bừng điệu thần vũ của nắng lửa, khô rát, gió Lào từ tháng mười một vắt qua tháng tư năm sau.

Nếu TP Điện Biên Phủ và các huyện phía đông, nam của tỉnh Điên Biên là xứ sở của ban, thì bắt đầu từ trung tâm huyện Mường Nhé lên tới mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc (dân đi phượt thường gọi là mốc số 0) lại là "vương quốc" của hoa cúc quỳ. Cúc quỳ nhờ mưa dầm mà ngốt ngát xanh, hứng nắng rát để bung trổ căng mãn, rực rỡ. Cứ ngược tận cùng Quốc lộ 4H2 là sẽ chạm cực Tây-nơi mặt trời đi ngủ muộn. Độ này, những cơn mưa dai dẳng, sầu thảm, nát lòng đã không còn hò nhau ùn ùn giội về nữa. Thi thoảng mới có một trận mưa tắm gội cho cây cối trên khắp núi đồi. Hình như có một trận mưa đi ngang qua đây đâu từ hôm qua, hôm kia, nó vẫn để lại những vũng nước nhỏ ven đường và những giọt sương nặng hạt treo chi chít trên những tán lá rừng. Từ Chung Chải, qua Leng Su Sìn, rồi lên Sín Thầu, hoa cúc quỳ bám bước chân người mà mọc, theo dáng núi leo chót vót lên cao để chơi đùa cùng mây và lan bò xuống suối để uống giọt nước ngọt lành từ dòng Păng Pơi, Mo Phí, Si Pơ Chái... Sau mưa, những thảm cúc quỳ xanh ngời màu lam ngọc. Từng chiếc lá tựa những bàn tay nhỏ xinh đang vẫy chào lữ khách. Thi thoảng, ở hai bên đường, lấp ló giữa ngằn ngặt xanh bắt gặp một đóa mặt trời bừng sáng. Đấy là những bông hoa sứ giả báo mùa, những cô bé, cậu bé mặt trời láu cá, trốn bạn bè trang lứa để được tỏa rạng thật sớm giữa núi đồi biên viễn. Nơi này, cúc quỳ là kết tinh cuộc hôn phối giữa đất và trời, hay giữa mây và núi, hay là tình yêu, là khát vọng, là máu của cộng đồng người Việt ta từ mấy nghìn năm bám đất, bám rừng mà thành? Những bông cúc quỳ làm các cô gái trong đoàn phượt thủ đi trên chuyến xe khách từ bến xe Mường Nhé không khỏi thích thú, xuýt xoa. Mỗi lúc tranh thủ nhà xe trả hàng, các cô chen nhau len vào khóm cúc quỳ có mấy bông hoa ven đường để bạn chụp hình. Rồi mai đây kỷ niệm thanh xuân của họ sẽ là những chuyến viễn du và những bông cúc quỳ biên cương này vẫn sẽ nở tràn trong ký ức tươi đẹp của họ.

Già làng Lỳ Xuyến Phù ở bản A Pa Chải, một bản gần trung tâm xã Sín Thầu từng nói với tôi, hoa cúc quỳ theo tiếng Hà Nhì là “á de de khà”, vì hoa đẹp nhưng cả cây và hoa đều có vị đắng nên hoa có tên như vậy. Hỏi hoa này có từ bao giờ thì già làng bảo không biết, những người cao tuổi nhất ở Sín Thầu cũng không thể biết. Chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đến lúc về với ông bà tổ tiên, đời người Hà Nhì nơi sơn cước này luôn gắn với sắc hoa vàng ngời chói. Lúc bé chơi trò trẻ con dưới những khóm hoa, đứa trẻ nào ngứa lở, sài đẹn thì được cha mẹ lấy lá cúc quỳ mà tắm gội. Khi thành chàng trai núi thớ thịt săn căng, đôi vai vuông rộng, thành nàng sơn nữ tròn mẩy, mềm mại, đảm đang... rừng hoa là nơi trao lời hát, tiếng sáo trúc, tiếng đàn môi, nhịp con tim bổi hổi bồi hồi. Lúc nên duyên chồng vợ, đầu nương cuối ruộng có khóm cúc quỳ mà ngắm cho vơi bớt cái nắng, cái sương. Rồi đến ngày ông bà tổ tiên gọi về thì ngủ một giấc miên hằng giữa những thảm hoa vàng mê mải...

Khi gặp lại chị Pờ Mì Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, tôi nhắc lại chuyện làm du lịch cộng đồng, một câu chuyện mà khi còn công tác ở đồn A Pa Chải tôi nhiều lần nói với chị. Chị Lế chia sẻ đấy vẫn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thời gian qua, chị đã cùng với các đồng chí cán bộ chủ chốt tích cực vận động một số gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa và gìn giữ các vật dụng theo nếp sinh hoạt của các cụ ngày xưa, duy trì đội văn nghệ của xã phục vụ cho các hoạt động văn hóa của xã, huyện, tỉnh và biểu diễn phục vụ khi các đoàn khách có nhu cầu. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên vận động nhân dân sống ven đường trồng hoa cúc quỳ làm hàng rào và trồng ở những nơi đất trống. Phấn đấu trong thời gian tới sẽ có một số gia đình làm được mô hình homestay và hoàn thành con đường hoa cúc quỳ khoảng 20km theo trục lộ 4H2 thuộc địa phận xã. Tôi nghĩ một ngày không xa, trên bản đồ du lịch của tỉnh Điện Biên sẽ có một địa danh mang tên “Đường hoa cúc quỳ A Pa Chải”.

Rời Đồn Biên phòng A Pa Chải, cùng với ánh mắt tiễn đưa của đồng đội, những bông cúc quỳ như đang vẫy chào tôi: Đi nhé! Rồi lại về nhé. Đồn này từng là nhà tôi, đồng đội, đồng bào nơi đây vẫn luôn là anh em ruột thịt của tôi. Trên đường về xuôi, tôi nhận được tin nhắn của chị Lế: Tết “Khù Sự Chà” mời anh và gia đình lên Sín Thầu ăn Tết nhé! Lời nhắn của chị làm tôi xúc động. Tết này, tôi xin khất với chị, với đồng đội, đồng bào. Nhưng nhất định một “Khù Sự Chà” không xa, tôi sẽ trở về khi biên cương hoa cúc quỳ nở sáng.

Bút ký của NGUYỄN PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/no-sang-mot-vung-bien-642581