Nổi bật tuần qua: Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Nhiều hoạt động tôn vinh doanh nghiệp

Tuần từ ngày 7 - 13/10, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu; Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào; Ngày Doanh nhân Việt Nam: Gia tăng 'đàn sếu' cho nền kinh tế; 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Trong tuần qua, ngày 10/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ôn lại quá khứ hào hùng của quân dân cả nước nói chung và quân dân Hà Nội nói riêng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ độc lập và phát triển mới cho dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời khắc lịch sử đó là minh chứng về tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình của nhân dân; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước; chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân ta làm chủ vận mệnh của đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, mở ra thời kỳ mới vẻ vang trong lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh.

Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới với diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo. Quy mô nền kinh tế liên tục tăng, năm 2023 đạt khoảng 54 tỷ USD; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì ở mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao; năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 6.348 USD, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,03%, trong đó 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo…

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp to lớn trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các danh hiệu: “Thủ đô Anh hùng”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Hà Nội tự hào là thành phố duy nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được UNESCO ghi danh tham gia “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” toàn cầu năm 2019. Với thế và lực mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn để trở thành tấm gương tiêu biểu, là niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ cả nước như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

Trong tuần, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Sau 40 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, sự ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam cách đây tròn 20 năm đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, sự công nhận của xã hội về vai trò và những đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Chia sẻ với những khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số... Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các doanh nhân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển; tinh thần đổi mới, sáng tạo và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm; đề cao quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, thực thi chính sách lao động công bằng, chú trọng xây dựng thương hiệu; đồng thời, thời nhấn mạnh Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo tôn chỉ, mục đích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào

Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào từ ngày 8 - 11/10/2024 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Chủ tịch ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Chủ tịch ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường", Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào có hơn 20 hoạt động. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hoàn thành các Kế hoạch Tổng thể 2025, các Chiến lược và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực. Dịp này cũng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, các Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEANvà Thanh niên, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0”.

Các Hội nghị đã thông qua và ghi nhận khoảng 80 văn kiện ưu tiên, lĩnh vực hợp tác cả nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như: Xây dựng Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, triển khai Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác số, tuần hoàn nhựa, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, nông nghiệp bền vững, giao lưu nhân dân… Suốt gần 30 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, khẳng định tiếp tục vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, đưa hợp tác kinh tế ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, xứng tầm với quan hệ chính trị, nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích thiết thực của mỗi nước và phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới…

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Gia tăng 'đàn sếu' cho nền kinh tế

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Việt Nam hiện có khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tại Việt Nam hiện đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp; có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát... Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu đổi mới sáng tạo, tạo dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Để gia tăng số lượng "đàn sếu" doanh nghiệp của nền kinh tế, thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp chế biến, chế tạo; ban hành các tiêu chí và định mức cụ thể để khoảng 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... đảm bảo các doanh nghiệp đóng góp thiết thực cho nền kinh tế; đồng thời, ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân tài phục vụ phát triển đất nước.

450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được sửa chữa và xây mới, với tổng kinh phí cần huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 6.522 tỷ đồng. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan về triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, cần huy động tất cả các nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cho người dân. Cùng với nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn xã hội hóa bao gồm tài chính, vật liệu, công sức và các nguồn lực khác…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; đồng thời, phân nhóm các địa phương, triển khai cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn thực hiện phong trào; vận động các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn.

Chính phủ quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ", đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều", bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương; quyết tâm đến ngày 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Nhóm PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-nhieu-hoat-dong-ton-vinh-doanh-nghiep-20241012133157447.htm