Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật tại Đắk Lắk

Nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Lắk là một nơi đặc biệt của nhiều trẻ em kém may mắn gửi gắm niềm đam mê, chắp cánh ước mơ vươn lên từng ngày.

Trong lớp học đan móc len dành cho trẻ em bị khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, những bạn nhỏ đang chú ý quan sát từng động tác của giáo viên để điều khiển từng mũi kim, đường móc, tạo ra những chiếc túi, lọ hoa, đế ly xinh xắn.

Cùng với học văn hóa, kỹ năng sống, các em còn được các thầy cô hướng dẫn một số nghề thủ công, mỹ nghệ

Cùng với học văn hóa, kỹ năng sống, các em còn được các thầy cô hướng dẫn một số nghề thủ công, mỹ nghệ

Em Huỳnh Lê Bảo Trân, lớp 5A cho biết, một số sản phẩm của em được đặt trong khu trưng bày của trường. Điều này giúp em có thêm niềm tin và hy vọng tốt đẹp vào tương lai.

“Em mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một người có thể móc len đẹp nhất và làm được nhiều sản phẩm tốt nhất”, Trân bày tỏ.

Cùng với đan len, học sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk còn được học thêm nghề làm von hoa, kết hạt cườm, làm đồ thủ công mỹ nghệ… Em Nguyễn Ngọc Thùy Dương chia sẻ, qua 7 năm tại đây, em nhận được rất nhiều niềm vui.

“Em rất hạnh phúc vì được thầy cô giáo dạy dỗ nhiều điều hay, nhiều kiến thức mới mẻ và biết được nhiều thứ rất quan trọng trong cuộc sống và em còn hạnh phúc hơn nữa khi được thầy cô giáo dạy cho nhiều kỹ năng. Sau này khi lớn lên em mong muốn trở thành người pha chế để giúp bố mẹ kiếm tiền”, Thùy Dương cho hay.

Các em phải rất nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để có thể thành nghề

Các em phải rất nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để có thể thành nghề

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk tiền thân là Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy vọng được thành lập từ năm 2001. Hiện mỗi năm Trung tâm tiếp nhận gần 200 học sinh với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Cùng với rèn luyện kỹ năng sống, học tập văn hóa, các em còn được học những nghề thủ công, mỹ nghệ. Bà Lưu Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm, chia sẻ, đơn vị cũng tổ chức hướng nghiệp cho học sinh lớn tuổi và hỗ trợ các em tìm kiếm nghề phù hợp.

“Nhu cầu và ước mơ của các em cũng khá là nhiều, bản thân của các em cũng rất thích làm nhiều ngành nghề khác. Khi mà các em có mơ ước đó thì cần có sự đồng hành của người lớn nói chung và của gia đình, người thân và xã hội để các em tự lập vững bước”, bà Minh nói.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/noi-chap-canh-uoc-mo-cho-tre-khuyet-tat-tai-dak-lak-post1099680.vov