Nơi cửa sông huyền thoại

Sông Gianh - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, nơi chứng kiến những chiến công vang dội của nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông, Lê Lợi chiến thắng quân Minh, là ranh giới của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn suốt 200 năm của chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Bài thơ Linh Giang Hải Tấn (Cửa biển sông Gianh) của nhà vua anh minh lỗi lạc Lê Thánh Tông trên đường hành quân đi đánh Chiêm Thành tháng Giêng năm 1471, khi ông dừng hạm đội ở cửa biển con sông huyền thoại đã tức cảnh sinh tình: 'Sơn bảo hồi hoàn hải diểu di/ Bố Chính tùng cổ hiệu hoang thùy/ Tịnh hà thôn lạc mao vi ốc/ Triệt phố quan tân trúc tác kỳ/ Nữ thượng phong yêu khoa yển vãn/ Dân điều quých thiệt ngữ thù ly/ Ký nam thánh hóa hoằng nhu viển/ Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi'.

Cụ Nguyễn Đình Diệm dịch thơ: “Núi bọc chung quanh biển mịt mờ/ Bố Chính ngày trước vẫn hoang sơ/ Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ/ Khuất bến tre pheo dựng cột cờ/ Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu/ Dân hòa giọng quých nói líu lo/ Trời Nam đã rưới ơn mưa móc/ Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ”, mãi mãi là minh chứng về một cửa sông đầy cảm hứng thi ca.

Sông Gianh hôm nay.

Sông Gianh hôm nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đêm ba mươi tết Canh Tý (năm 1959) từ 2 con tàu không số đầu tiên do những người con sông Gianh phối hợp cùng bộ đội Đoàn 559 đóng đã lặng lẽ ra khơi, tiến về Nam, cùng một số con tàu khác từ Quảng Ninh, Hải Phòng mở đầu cho những trang sử hào hùng của “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” đưa vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam, góp phần đánh tan Mỹ Ngụy giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Mới đây, chúng tôi được Nhà xuất bản Công an nhân dân mời tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” tổ chức tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Trên chuyến xe của Bộ Công an đưa những trại viên nhà văn chúng tôi từ Hà Nội vào Đồng Hới phần lớn là những cựu binh, những người Nam chinh Bắc chiến ấy hầu như ai cũng có những kỷ niệm nhớ đời về khúc ruột Miền Trung. Dọc đường, chuyện nổ như pháo rang, những địa danh nổi tiếng, những trận quần nhau ác liệt với máy bay tàu chiến Mỹ từ Hạm đội bảy trên biển Đông bay vào với mục tiêu biến nơi này thành vành khăn trắng được khơi dậy, sống động như vừa mới xảy ra hôm qua, nhất là xe đi vào địa phận Quảng Bình. Qua các anh, người hậu thế như tôi được biết đến những đoàn thuyền ngày đêm vượt từ trường, thủy lôi, bom đạn của máy bay Mỹ đưa người, đưa hàng ra tiền tuyến.

Được biết, trận chiến ngày 28/4/1965 của 5 chiếc tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam cùng biển lửa phòng không của ta dọc sông Gianh trong 1 ngày đã quần nhau với 80 lượt máy bay Mỹ, mỗi lượt từ 9 đến 20 chiếc. Các loại máy bay tối tân hiện đại như Thần Sấm, Con Ma mang trên mình các loại vũ khí giết người man rợ như rốc két, đạn 20 ly, bom sát thương, bom khoan với dã tâm tiêu diệt bằng được các lực lượng chiến đấu của ta. Trong trận chiến đấu ngoan cường đó, trước khi con tàu cuối cùng của chúng ta chìm xuống bến cảng Gianh thì 5 máy bay Mỹ bị bắn hạ, nhiều chiếc khác bị thương.

Rồi chuyện những ngày đội bom đội đạn căng tai căng mắt đếm bom từ trường, thủy lôi từ máy bay Mỹ thả xuống hòng cắt dứt con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Rồi chuyện người con xã Thanh Trạch - ông Nguyễn Văn Nhỏ, chiến sỹ Đại đội 26 Công binh sông Gianh, là chiến sỹ cảm tử chạy ca nô cao tốc trên cảng sông Gianh. Tinh thần “Dù hy sinh 1, 2 người chứ không để đứt mạch máu giao thông vận chuyển người và hàng ra tiền tuyến”. Trong lễ truy điệu sống, người con sông Gianh cùng chiếc ca nô cảm tử được sống lại. Không có những nhân chứng sống trên xe thì tôi không thể biết, không thể tin được từng có một con người Việt Nam nhỏ bé một mình một ca nô, trên trời máy bay quần đảo, ném bom, bắn rốc két, dưới nước hàng trăm quả thủy lôi, quả phát nổ từ cảm ứng từ trường, quả phát nổ từ nhận được sóng âm thanh, quả phát nổ khi gặp áp suất lớn…Toàn những thứ giết người tàn bạo mà ông Nguyễn Văn Nhỏ phải đối mặt với chết chóc. Cái ngày ác liệt ấy cũng trôi qua, 200 quả thủy lôi quỷ quái buộc phải nổ, ông Nhỏ và chiếc ca nô chiến đấu và chiến thắng đã trở về trong vòng tay đồng đội, thật là huyền thoại, diệu kỳ.

Chuyện về sông Gianh những ngày khói lửa của những cựu binh rôm rả tới tận thành phố Đồng Hới, nơi có Tượng đài Mẹ Suốt hiên ngang bên dòng sông Nhật Lệ, đúng là một vùng đất để thương để nhớ.

Ðoàn Hữu Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/du-lich/noi-cua-song-huyen-thoai-z9n20190707090426321.htm