Nơi 'đầu sóng ngọn gió' của Bệnh viện Quân y 175
Đến Khoa Hồi sức tích cực (HSTC), Bệnh viện Quân y 175, tôi mới cảm nhận hết được áp lực, cường độ làm việc cao của đội ngũ thầy thuốc ở đây. Đó là những 'cuộc chiến' từng giây, từng phút giành lại sự sống cho người bệnh. Khoa HSTC đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, tạo niềm tin cho bộ đội và nhân dân trong khu vực, xứng đáng là lá cờ đầu thi đua quyết thắng của bệnh viện.
Hết lòng vì người bệnh
Dẫn chúng tôi vào bên trong phòng bệnh, Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II (BSCK II) Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa HSTC chia sẻ: “Hầu hết bệnh nhân vào khoa đều trong tình trạng ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chúng tôi được ví như nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện. Do đó, đội ngũ thầy thuốc của khoa phải luôn khẩn trương, năng động, nhanh trí, tận tình và chính xác để xử lý tốt các tình huống cấp cứu bệnh nhân”.
Phòng bệnh của khoa giống như một thế giới khác biệt so với bên ngoài. Tuy nhiệt độ khá lạnh nhưng trạng thái làm việc của đội ngũ thầy thuốc nơi đây rất “nóng”, vừa đối diện với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, lại vừa phải đối diện với tâm lý phức tạp của người nhà bệnh nhân. Những cuộc hội chẩn đều diễn ra rất nhanh, công việc của từng bộ phận với mức độ chuyên môn hóa cao, tiếng thiết bị y tế chạy "bíp bíp" là âm thanh chủ đạo của phòng bệnh. Tuy vậy, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của khoa luôn ở mức cao, bởi tập thể khoa luôn làm việc khoa học, kỹ năng chuyên sâu và tinh thần hết lòng vì bệnh nhân.
Hơn 16 năm công tác tại khoa, Đại úy QNCN Phan Thị Hương Thùy, Điều dưỡng trưởng Khoa HSTC, chia sẻ: “Ở đây, đội ngũ điều dưỡng viên là người chăm sóc toàn diện bệnh nhân. Chúng tôi xem người bệnh như chính người thân của mình. Công việc đó rất thầm lặng, khi bệnh nhân vào khoa và ra khỏi khoa đều trong tình trạng không biết mặt bác sĩ hay điều dưỡng viên. Hạnh phúc của người điều dưỡng ở khoa là quá trình theo dõi, chăm sóc bệnh nhân thành công”.
Ngoài nhiệm vụ tại chỗ, Khoa HSTC còn thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức cấp cứu, điều trị và vận chuyển an toàn người bệnh bằng đường bộ, đường không cho y sĩ, bác sĩ làm công tác cấp cứu của các đơn vị trong và ngoài bệnh viện. Những bác sĩ trẻ nhận công tác tại bệnh viện đều được đưa về Khoa HSTC để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức trước khi về công tác ở các khoa khác. Từ đó, họ được nâng cao chất lượng cấp cứu ban đầu, hạn chế các biến cố xấu trên người bệnh, góp phần giảm tải áp lực tại Khoa HSTC, giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
“Lên rừng xuống biển” vì sức khỏe bộ đội, nhân dân
Khoa HSTC có nhiệm vụ tổ chức khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị cho tất cả ca bệnh nặng và nguy kịch từ nhiều khoa trong bệnh viện và các bệnh nhân chuyển đến từ những bệnh viện khác trong khu vực. Đồng thời, huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học, tham gia chỉ đạo tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật về HSTC đối với các bệnh viện tuyến dưới, quân y các đơn vị quân đội từ Đà Nẵng trở vào, huấn luyện lực lượng quân y cho Bệnh xá đảo Trường Sa, cấp cứu biển đảo, phòng, chống thảm họa thiên tai, lũ lụt…
Hiện nay, khoa thường xuyên duy trì huấn luyện tổ cấp cứu đường không, đường bộ, với đội ngũ y sĩ, bác sĩ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tinh thần, ý chí, trách nhiệm cao, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. 5 năm qua, khoa đã chủ động phối hợp tốt, kịp thời cùng Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Binh đoàn 18 tổ chức cấp cứu, vận chuyển gần 30 chuyến bay (chủ yếu bay đêm) đưa bệnh nhân từ biển đảo về bệnh viện an toàn, giữ được thời gian vàng trong điều trị. Nhờ vậy, gần 100% bệnh nhân được cứu sống và trở lại cuộc sống bình thường.
Là người trực tiếp tham gia nhiều chuyến cấp cứu biển đảo, Đại úy, Thạc sĩ, BSCK I Diệp Hồng Kháng cho biết: “Cấp cứu môi trường biển đảo, vận chuyển bằng trực thăng luôn đòi hỏi đội ngũ y tế giữ vững bản lĩnh, xử lý liên tục các tình huống ảnh hưởng đến mạng sống người bệnh. Có ca bệnh rất nặng, điều kiện vận chuyển rất khó khăn như tình huống máy bay không thể hạ cánh phải dùng tời để nhân viên xuống cấp cứu và tời bệnh nhân lên. Chính tôi đã phải xử lý trường hợp bệnh nhân bị ngừng hô hấp, tuần hoàn trên máy bay, phải vừa tổ chức hồi sinh tim, phổi vừa dẫn lưu khí khoang màng phổi cấp cứu. Mỗi lần như vậy, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích”.
Bên cạnh đó, Khoa HSTC còn chủ trì, phối hợp, lựa chọn đội ngũ, tổ chức huấn luyện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm kịp thời, đáp ứng yêu cầu khám, cấp cứu, điều trị và chăm sóc sức khỏe bộ đội và ngư dân trên biển tại Bệnh xá đảo Trường Sa. Đặc biệt, khoa đã tham gia chỉ đạo qua hệ thống Telemedicine với Bệnh xá đảo Trường Sa thực hiện hồi sức cấp cứu nhiều ca nặng, phức tạp sau mổ chấn thương sọ não nặng, đột quỵ não thành công…
Thượng tá Vũ Đình Ân nhớ lại thời điểm tháng 6-2018, khoa đã phối hợp với Bệnh viện Quân y 211 điều trị thành công một quân nhân bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm não mô cầu biến chứng suy đa cơ quan và tiên lượng nguy cơ tử vong. Lực lượng của khoa cơ động lên Tây Nguyên mang theo máy lọc máu hiện đại để điều trị. “Khi lên đến nơi, chúng tôi không kịp ăn trưa, tổ chức hội chẩn gấp, hạ quyết tâm cao nhất để cứu chữa cho bệnh nhân. Đơn vị huy động rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thường trực sàng lọc và hiến máu để truyền cho người bệnh. Bệnh nhân này được lọc máu liên tục 80 giờ, kết hợp với các biện pháp hồi sức tối ưu khác. Ngay khi đủ điều kiện vận chuyển an toàn, chúng tôi đưa về Bệnh viện Quân y 175, tiếp tục điều trị và quân nhân này đã ra viện, trở về đơn vị công tác”.
Xứng đáng với truyền thống lương y như từ mẫu
Những năm gần đây, Khoa HSTC còn được giao thêm các nhiệm vụ: Tổ chức cấp cứu vận chuyển đường bộ, đường không, phối hợp tổ chức cấp cứu, vận chuyển nội viện, hỗ trợ cấp cứu, điều trị chuyên sâu cho tuyến dưới, tham gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và đặc biệt là tham gia huấn luyện Bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đào tạo và cấp chứng chỉ về gây mê hồi sức. Trung bình hằng năm, khoa thu dung điều trị 1.300 lượt người/năm, tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt 125%. Trong đó, khoa đã tổ chức cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh rất nặng, như: Nhồi máu van tim cấp, sốc tim, rối loạn nhịp nặng suy đa cơ quan, sốc chấn thương đã biến chứng ngừng hô hấp tuần hoàn ngoại viện, vết thương tim, sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng, ngộ độc lân hữu cơ nặng…
Trao đổi với chúng tôi về “bí quyết” thành công, Đại tá, BSCK II Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Khoa HSTC cho biết: “Đó là tinh thần tự giác và sự đoàn kết, đồng lòng của cả khoa trong các nhiệm vụ, trên nền tảng truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Cán bộ, nhân viên luôn biết lắng nghe, cảm thông, biết nói lời xin lỗi, lời cảm ơn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh và thân nhân”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thành, lực lượng nhận nhiệm vụ tại khoa luôn được rèn luyện thử thách 6 tháng, qua thẩm định kết quả mới chính thức làm việc. Nhân lực của khoa phần lớn là trẻ, có tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh, sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu của người làm công tác HSTC. Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175, trang thiết bị y tế của khoa được đầu tư mới, hiện đại bậc nhất khu vực, khoa đã phát huy tối đa hiệu quả làm việc theo nhóm, tranh thủ được thời gian nhanh nhất để có thể tận dụng thời gian vàng trong cửa sổ điều trị. Phần thưởng lớn nhất cũng là động lực của khoa chính là chất lượng điều trị được nâng lên, là niềm tin và sự ghi nhận của lãnh đạo bệnh viện, của bộ đội và nhân dân dành cho mình.