Nỗi đau từ tận đáy tim...

Ông Lang Văn Cường vốn đã chịu đau lòng triền miên khi có một đứa con 'bất hảo'. Không ít lần ông nghĩ, giá như... không sinh ra đứa con này, thậm chí có lúc ông 'nhẫn tâm' nghĩ... giá như nó vắn số từ thủa mới lọt lòng...

Ông Cường day dứt khôn nguôi khi tước đi mạng sống của đứa con trai

Ông Cường day dứt khôn nguôi khi tước đi mạng sống của đứa con trai

Vợ chồng ông Lang Văn Cường (SN 1962, trú xã Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An) nghèo khó, chật vật với nghề nông, số ngày “đủ ăn” cũng chỉ tạm tính trên đầu ngón tay. Hai đứa con trai lần lượt ra đời đối với ông bà mà nói, đó là tài sản lớn giữa cái nghèo. Thêm người, thêm miệng ăn có nghĩa là thêm nỗi nhọc nhằn cho ông bà ở chặng đường kế tiếp.

Dù nghèo khó đến đâu, nhìn thấy hai đứa con ngày một khôn lớn, vợ chồng ông Cường hạnh phúc vô cùng. Ông bà đặt bằng hết niềm tin, hy vọng vào con, vào tương lai của chúng ở phía trước với ý nghĩ “đời con ắt sẽ khác đời cha”. Ông bà có thể thiếu ăn, nhịn mặc nhưng luôn dành cho các con những điều tốt đẹp nhất, từ cái ăn, con chữ... Vợ chồng ông không đòi hỏi con phải thành ông này ông kia mà chỉ mong con có học hành, thoát khỏi lũy tre, ruộng nương để có cái gọi là “con hơn cha”. Mong ước, hy vọng, kỳ vọng của ông Cường là vậy nhưng thói đời thường hay trêu ngươi, toàn xảy ra những điều ngược lại.

Lang Văn Khiêm (SN 1987) là con trai đầu của ông, đứa ông đặt nhiều hy vọng cũng là đứa khiến cho ông bà sống chẳng bằng chết. Cha mẹ cho ăn học nhưng Khiêm cũng thả nửa chừng để theo đám bạn chơi bời lêu lỏng. Kể từ khi theo đám bạn bè xấu, Khiêm trở thành con ngựa bất kham. Mọi lời răn dạy, góp ý của cha mẹ, Khiêm chỉ là gió thoảng qua tai chẳng lưu lại chút tình. Rồi cái điều ông bà lo sợ “biết nhưng không thể nào tránh” cũng ập vào gia đình. Khiêm, từ đứa con đàng hoàng trở thành con nghiện và cũng dần trở thành con quỷ khi đói thuốc. Nhà vốn đã nghèo, từ ngày Khiêm nghiện ma túy lại càng trở nên khốn khó. Đồ đạc trong nhà, cái nào có chút giá trị đều lần lượt “đội nón ra đi”. Lời nhỏ, tiếng lớn đều có cả nhưng sau cùng ông bà cũng bất lực trước đứa con nghiện ngập này.

Mỗi lần lên cơn “đói thuốc”, Khiêm đập phá đồ đạc đòi cha mẹ đưa tiền để mua, không được đáp ứng thì thứ gì Khiêm cũng dám làm. Chẳng vậy mà lắm lúc bà Quang Thị Huyền xót con, sợ ảnh hưởng đến chòm xóm mà “dấm dúi” cho Khiêm ít tiền cho yên cửa yên nhà. Đau khổ vì con, lâu dần bà Huyền đổ bệnh, người ngày một ốm yếu, sức lực như bị rút kiệt theo từng ngày. Bận rồi, cũng vì Khiêm quậy phá, bà Huyền ốm một trận liệt giường tưởng đã bỏ mạng. Ai cũng nghĩ, Khiêm sẽ thức tỉnh, sẽ thay đổi nhưng điều đó đã không xảy ra. Thậm chí, khi có vợ, có con Khiêm cũng đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng người cha. Khiêm vẫn không dứt ra được khỏi con đường nghiện ngập, cũng vẫn là kiểu sống chẳng màng đến những người xung quanh như lại luôn cho bản thân là “trung tâm của vũ trụ”.

Khiêm ngập sâu trong ma túy và rồi Khiêm cũng dính luôn cả HIV. Người vợ cũng vì không chịu được “người chồng không tương lai” ấy đã bỏ lại con thơ đi biệt xứ. Hai vợ chồng ông Cường lại gánh gồng nuôi đứa cháu nội cùng một đứa con trai nghiện ma túy trong tận cùng của sự khốn khổ. Cứ như vậy, cuộc sống của ông bà là những chuỗi bi kịch chẳng có điểm dừng. Không thỏa mãn những cơn ghiền thuốc, Khiêm đập phá, chửi bới, dọa chém, dọa giết... thượng vàng hạ cám chẳng có món nào Khiêm từ. Đỉnh điểm là vào ngày 12/01/2020, sự “lên cơn” của Khiêm là giọt nước tràn ly.

Khoảng 18h ngày 12/01/2020, bà Huyền gượng dậy ngồi vào mâm cơm gia đình sau trận ốm kéo dài. Ngồi còn chưa vững, bà Huyền đã bị Khiêm gây sự, yêu cầu đưa tiền để mua ma túy. Cơm nuốt không xuống, nước mắt lại trào ra, cố lắm bà mới nói ra được câu “mẹ đã không còn đồng nào trong túi”. Thấy Khiêm chửi bới, đe dọa vợ, ông Cường nói với Khiêm: “Để im cho mẹ ăn cơm, mẹ đang ốm, mệt, đã lâu không được ăn cơm rồi”. Sau câu nói của ông Cường, Khiêm đặt bát cơm xuống mâm và đi ra giếng. Ông Cường cũng cầm bát cơm đang ăn dở đi theo Khiêm. Khi ra giếng, Khiêm tiếp tục đe dọa giết cả nhà rồi cầm dao đi vào trong. Dự cảm không tốt khi Khiêm lên “cơn điên” có thể chặt chém không từ ai nên ông Cường lấy chiếc cán rìu bằng gỗ đi theo. Khi đi đến bậc tam cấp, ông Cường cầm cán rìu đánh nhiều nhát vào người Khiêm, không ngờ những cú đánh này đã tước đi mạng sống của Khiêm.

Bà Huyền, vợ bị cáo đến tham dự phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị hại. Có lẽ, bà chính là người phụ nữ khốn khổ nhất trong hoàn cảnh này. Chẳng có nỗi đau nào bằng khi con chết, chồng vướng vòng lao lý. Nhìn chồng suy sụp hẳn đi vì luôn dằn vặt bởi chính tay mình đã giết con, bà không kìm được nước mắt. Bà càng đau lòng, lại càng khóc, nước mắt giống như không ngưng lại được. Phần ông Cường, sau khi khai toàn bộ diễn biến sự việc ngày hôm đó, ông cũng đã không giữ được bình tỉnh. Thực lòng mà nói, không ít lần ông nghĩ, giá như... không sinh ra đứa con này, thậm chí có lúc ông “nhẫn tâm” nghĩ... giá như nó vắn số từ thủa mới lọt lòng... thì cuôc đời ông bà đã không khổ sở đến như vậy. Con cái đến với cha mẹ là duyên nhưng cái cách Khiêm đối xử với ông bà lại chính là “nghiệt duyên”. Nghĩ là vậy, song biết rằng tự tay mình tước đi mạng sống của đứa con dứt ruột mà có, lại khiến ông Cường đau khổ dằn vặt vô cùng. Con dẫu hư, dẫn sai... vẫn có quyền để sống, vậy mà ông đã làm cái điều thất nhân đó. Ông đau, ông cũng hận chính mình!.

Tại phiên tòa, ông Lang Viết Cường thành khẩn khai báo, vô cùng ăn năn hối hận. Ông mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để có cư hội chăm sóc người vợ ốm yếu và đứa cháu nội còn nhỏ tuổi. Ông nghẹn giọng: “Vì sợ con chém người và uất ức vì bị con đe dọa trong thời gian dài, tôi đã không kiềm chế được bản thân mà đánh nó. Sau khi gây ra cái chết cho con tôi cũng day dứt, đau khổ lắm. Chỉ mong HĐXX giảm nhẹ tội để về chăm sóc vợ và cháu trai”. Nói rồi, ông Cường bụm mặt khóc rưng rức.

HĐXX TAND tỉnh Nghệ An sau khi xem xét đã tuyên phạt ông Cường 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Án tuyên, bà Huyền đưa tay ôm ngực trút ra một hơi thở rõ dài. Bà chỉ mong chồng được tại ngoại để còn cùng bà chăm đứa cháu. Nói cho cùng đứa trẻ đó mới là tội nghiệp nhất, bất hạnh nhất.

Phiên tòa kết thúc nhưng ông Cường biết nỗi lòng của ông không bao giờ kết thúc. Bản án lương tâm “cha giết con” sẽ còn ám ảnh ông đến suốt cuộc đời. Người thân động viên vợ chồng ông, biết đâu rằng việc Khiêm “ra đi” là một sự giải thoát cho người đàn ông ấy. Bởi rằng, với căn bệnh HIV đang mang trong người cũng chính là án tử đang treo lơ lửng trên đầu Khiêm, sống khổ sống sở cũng chính là sống không bằng chết!.

Cho nên, ai cũng hy vọng, ông Cường sớm gỡ bỏ “xiềng xích” ám ảnh bên mình, cho lòng được tự do để sống cùng vợ nuôi nấng con của Khiêm trưởng thành.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/noi-dau-tu-tan-day-tim-46277.html