Nối đôi bờ Bạch Đằng giang

Từng là nơi 'đất mặn đồng sâu', vùng đất Quảng Yên bên bờ sông Bạch Đằng lịch sử nay là 'cực tăng trưởng' mới của tỉnh Quảng Ninh. Những con đường, những cây cầu đang nối đôi bờ Bạch Đằng giang, đưa Quảng Yên trở thành 'cửa ngõ' kết nối nội tỉnh Quảng Ninh, nội vùng và liên vùng.

Chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) xây cầu Bến Rừng, bà Phạm Thị Xoa (thôn 8, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, Quảng Ninh) vẫn bàn giao hơn 1.400 m2 đất canh tác của gia đình, phục vụ thi công Dự án Tuyến đường dẫn cầu Bến Rừng nối Thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Thôn 8 có tổng diện tích đất thu hồi 2,2 ha, tất cả 43 hộ bị ảnh hưởng đều đã bàn giao ngay khi được vận động. Nhìn “bờ xôi ruộng mật” do bà con làng xóm khai hoang, “thau chua rửa mặn” hơn 40 năm qua, bà Phạm Thị Xoa chia sẻ: "Dự án của Nhà nước, để tiến tới phát triển kinh tế đi lên. Đường phải rộng thì làm ăn mới phát triển, mình cũng phải góp phần vào để xây dựng cho quê hương mình giàu đẹp hơn. Có cây cầu sẽ tiện lợi, tạo mọi điều kiện cho người dân đi lại, có thêm công ăn việc làm, cuộc sống ổn định".

Cầu Bến Rừng nối hai bờ sông Bạch Đằng, giúp kết nối Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang được đẩy nhanh tiến độ về đích dịp 30/4/2024

Cầu Bến Rừng nối hai bờ sông Bạch Đằng, giúp kết nối Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang được đẩy nhanh tiến độ về đích dịp 30/4/2024

Câu chuyện sinh kế sau khi thu hồi đất lúa dường như không làm bà Xoa quá bận tâm. Ngoài đi biển, trồng trọt hay chăn nuôi, nhiều người dân Sông Khoai, Quảng Yên nay dần quen với nếp sống công nghiệp, khi mà trên địa bàn đã có 5 khu công nghiệp (KCN) đang xây dựng và hoạt động, thu hút hàng vạn lao động. Thanh niên được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, người quá tuổi lao động nhận các công việc thời vụ với thu nhập trung bình 200-300 nghìn đồng/ngày…

Từ “ốc đảo” thành “cửa ngõ”

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang là động lực chính thay đổi diện mạo vùng đất bên bờ Bạch Đằng giang. Nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của Thị xã Quảng Yên tăng trưởng trên 89%, đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất tại các KCN hơn 9,8 nghìn tỷ đồng. “Chìa khóa” quan trọng để đưa vùng đất cửa biển thuần nông chuyển mình chính là hạ tầng giao thông. Năm 2018, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, biến Quảng Yên từ vị trí tựa như “ốc đảo” trở thành “cửa ngõ”, đầu mối quan trọng trên trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Người dân thôn 8, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên không chỉ đồng thuận giao đất GPMB mà đã có những định hướng mới để phát triển kinh tế

Người dân thôn 8, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên không chỉ đồng thuận giao đất GPMB mà đã có những định hướng mới để phát triển kinh tế

Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thị xã Quảng Yên, người được ví là “nhà Quảng Yên học” nhận định: từng là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên xưa (bao gồm toàn bộ vùng phía tây Quảng Ninh hiện nay) trong hơn 100 năm dưới thời phong kiến và Pháp thuộc, nơi đây không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn ghi dấu chiến công đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc với 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Bề dày truyền thống, trầm tích văn hóa lâu đời nay đã trở thành nền tảng quan trọng để vùng đất này bứt phá mạnh mẽ.

"Việc phát triển hệ thống giao thông đã giúp Quảng Yên phát triển, giao lưu kinh tế trong cả nông nghiệp, công nghiệp. Đây là cửa biển nên có tiềm năng phát triển cảng biển, logistics vì có rất nhiều bãi triều, là quỹ đất cho đô thị, cảng biển, dịch vụ cảng biển, thuận lợi để trở thành trung tâm giao thương vùng Đông Bắc này", ông Lê Đồng Sơn chia sẻ.

Tháng 9/2020, Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên, xây dựng và phát triển thành KKT ven biển đa ngành, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Liên tục đón các dự án từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD vào các KCN, Quảng Yên không chỉ là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư FDI lớn mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp địa phương vươn mình.

Sản xuất công nghiệp theo định hướng công nghệ cao đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của TX Quảng Yên, thu hút lao động đến địa bàn

Sản xuất công nghiệp theo định hướng công nghệ cao đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của TX Quảng Yên, thu hút lao động đến địa bàn

Kết nối cho “chiến thắng” mới

Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thị xã Quảng Yên cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã sẵn sàng đón đầu khi những tuyến đường ven sông tốc độ cao đến TX Đông Triều (Quảng Ninh) sang Hải Dương, Bắc Giang, cầu Bến Rừng sang Hải Phòng hoàn thành:

"Sản phẩm giá trị tăng lên khi hạ tầng phát triển. Quảng Yên trở thành trục tăng trưởng, doanh nghiệp chúng tôi cũng từng bước mở rộng tầm nhìn, phục vụ cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Đặc biệt có sự đồng thuận ủng hộ của chính quyền để chúng tôi vào cuộc với vai trò thiết yếu, nắm bắt tình hình cơ hội để phát triển", ông Ngô Hùng Dũng chia sẻ.

Nhờ lợi thế về hạ tầng, giao thông, Quảng Yên đang có 5 KCN đang xây dựng và hoạt động, nhiều nhất trong các địa phương của Quảng Ninh

Nhờ lợi thế về hạ tầng, giao thông, Quảng Yên đang có 5 KCN đang xây dựng và hoạt động, nhiều nhất trong các địa phương của Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh đã định vị Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới phát triển kinh tế phía tây của tỉnh, trung tâm dịch vụ cảng và công nghiệp công nghệ cao. Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên khẳng định, địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án trên địa bàn, trọng điểm là các dự án giao thông liên kết vùng như Quảng Yên với TP Uông Bí, TX Đông Triều (Quảng Ninh); Quảng Yên với huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng); các dự án KCN Sông Khoai, Nam - Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng…

"Trên cơ sở những điều kiện sẵn có, những lợi thế về giao thông và tiềm năng về đất đai, chúng tôi xác định rằng trong những năm tới, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Quảng Yên sẽ tập trung hiện thực hóa những động lực, định hướng của tỉnh Quảng Ninh, xây dựng Quảng Yên thực sự trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo", ông Trần Đức Thắng cho hay.

Các cây cầu, tuyến đường mới đang tiếp tục được hoàn thiện, đưa vùng đất "ven sông, cửa biển" trở thành hạt nhân phát triển mới của Quảng Ninh

Các cây cầu, tuyến đường mới đang tiếp tục được hoàn thiện, đưa vùng đất "ven sông, cửa biển" trở thành hạt nhân phát triển mới của Quảng Ninh

Nửa nhiệm kỳ qua chứng kiến sự bứt phá của Quảng Yên với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 37,2%. Kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ sẽ tạo đà để vùng đất bên bờ sông Bạch Đằng tiếp tục có những “chiến thắng mới”, giống như biểu tượng “3 chữ V” (Victory) của cột trụ cây cầu qua sông đang dần thành hình.

Như ông Ngô Quang Điểu, một người nông dân nơi chân cầu Bến Rừng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kết nối mới: "Đường và cầu hoàn thiện, tôi làm chăn nuôi sẽ sang Hải Phòng gặp thương lái để có mối làm ăn. Người dân Thủy Nguyên cũng rất mong chờ, khi cầu hoàn thành hai bên sẽ giao thương với nhau thuận lợi, Quảng Ninh - Hải Phòng cùng làm ăn kinh tế, tình cảm gắn bó gần gũi hơn".

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/noi-doi-bo-bach-dang-giang-post1045303.vov