'Nói dự báo thiên tai 'chính xác' là... không chính xác'
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nói dự báo thiên tai 'đủ độ tin cậy' hợp lý hơn 'chính xác' và không phải hạ cấp để giảm trách nhiệm.
Sáng 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Có phải “hạ cấp” dự báo thiên tai?
Một trong những điểm đáng chú ý là tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 quy định “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác” thì nay được đề xuất sửa thành “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy” trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung.
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, cụm từ “đủ độ tin cậy” thể hiện cấp độ thấp hơn “chính xác” và băn khoăn tại sao lại sửa đổi như vậy khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo.
“Hiện nay, mặc dù biến đổi khí hậu tác động rất nhiều nhưng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì tại sao hạ cấp dự báo?” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu câu hỏi, đồng thời đặt vấn đề, nếu dự báo sai do nguyên nhân chủ quan (có thể xác định được) thì người dự báo chịu trách nhiệm gì?.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc thay thế cụm từ trên “không phải là bước lùi” và “trước đây dùng từ “chính xác” là không chính xác. Nước ngoài cũng chỉ nói “đủ độ tin cậy”.
“Dùng từ “chính xác” dễ mất lòng tin với người dân vì người ta bảo ông dự báo thế sao lại không hoàn toàn như thế. Cụm từ “đủ độ tin cậy” là ý kiến của Bộ TN-MT và chúng tôi thấy hợp lý nên đưa vào dự thảo, không phải giảm tông để giảm trách nhiệm” – ông Nguyễn Xuân Cường nói và nhấn mạnh, do biến đổi khí hậu nên vừa qua nhiều hiện tượng thời tiết rất khó dự báo chính xác.
Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương
Dự thảo luật bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ươngđể tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Không tổ chức thu quỹ; sử dụng bộ máy hiện có của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để quản lý và đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh và cho biết cụ thể việc thành lập, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương và ở cấp tỉnh sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định của Chính phủ.
Trước ý kiến băn khoăn rằng, có hay không sự chồng chéo trong huy động nguồn lực cũng như phát sinh bộ máy khi bổ sung quỹ này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thực tế Việt Nam hay nhận được các khoản hỗ trợ từ các nước, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, do thiếu quy định nên việc sử dụng nguồn này cũng gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, việc bổ sung quy định về Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương với nguồn huy động chủ yếu từ bên ngoài là nhằm chi hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh một cách thuận lợi trên cơ sở chi phải có nguyên tắc và điều phối cụ thể. Nhân lực thực hiện đều là kiêm nhiệm nên không tăng biên chế.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cũngtán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài NSNN, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật NSNN; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.
Bày tỏ quan điểm cần có quỹ này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý phải nghiên cứu báo cáo giám sát về các quỹ ngoài ngân sách vừa qua để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải nghiên cứu cơ chế điều hòa để đảm bảo sự công bằng giữa những nơi có nguồn thu, mức sống trung bình của người dân cao nhưng ít xảy ra thiên tai so với nơi thường xuyên phải chịu thiên tai, nơi khó khăn.
Kết luận phiên làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp rà soát để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống luật cũng như tính khả thi của các quy định mới được bổ sung, sửa đổi. Dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/noi-du-bao-thien-tai-chinh-xac-la-khong-chinh-xac-953686.vov