Nơi ghi dấu những ân tình

Niềm hạnh phúc của sự sum vầy, của những con người làm chủ đất nước được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, kể từ sau chiến thắng 30/4/1975. Và với những người lính từng chịu mưa bom bão đạn, vào sinh ra tử trong cuộc trường chinh của dân tộc chống ngoại xâm, 30/4 chính là ngày toàn thắng, là hạnh phúc, niềm vui. Vì vậy, trong ngày đất nước thống nhất, họ lại tìm về nghĩa trang liệt sĩ - nơi những đồng đội đang yên nghỉ để thắp một nén tâm hương. Những ân tình được nơi đây ghi lại qua nhiều năm tháng.

Dấu lặng…

Cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng 4 lịch sử như tô đậm thêm màu đỏ thắm của những lá cờ Tổ quốc trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh. Thời điểm này hàng năm, từng dòng người từ khắp nơi lại tìm về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận để thắp một nén tâm hương cho những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong dòng người tới đây có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, cựu chiến binh đến để gọi tên đồng đội…

Cũng như mọi năm, năm nay ông Trần Văn Rớt, cựu chiến binh xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc lại cặm cụi đến từng phần mộ liệt sĩ thắp hương cho những đồng chí, đồng đội của mình. Những ngôi mộ san sát, nằm lặng yên dưới những tán cây râm mát. Trên mỗi bia mộ có một lọ hoa, lư hương… Trong không gian trang nghiêm và linh thiêng của nghĩa trang, ông Rớt không giấu khỏi sự xúc động. Những hồi ức, những dấu ấn về một thời chiến đấu bên đồng đội lại ùa về trong ông. Năm 1968, ông lên đường nhập ngũ. Đơn vị ông khi ấy có 41 đồng chí hoạt động cách mạng tại Khu Lê Hồng Phong. Trải qua những năm tháng chiến đấu bên nhau, ngày trở về chỉ còn một mình ông sống sót. “Mỗi lần đến thắp hương cho đồng đội, tôi như chẳng muốn rời. Những gương mặt, hình bóng đồng đội thân yêu đang nằm ở đây cứ hiện lên trong tôi như họ đang trước mặt. Sự hy sinh của đồng đội tôi đã được đánh đổi bằng cuộc sống hòa bình ấm no của ngày hôm nay. Hàng năm, tôi về lại nơi đây từ 2 đến 3 lần. Tôi sẽ tiếp tục đi viếng đồng đội của mình cho đến khi không còn trên đời này nữa”, ông Rớt chia sẻ.

Các cựu chiến binh về thăm đồng đội

Không riêng gì ông Rớt, những ngày này đã có rất nhiều cựu chiến binh đến đây, họ đến để gọi tên những người đồng đội của mình, để cùng nhắc lại ký ức về những ngày cùng nhau chiến đấu, để được sống trong tình đồng chí, đồng đội như thuở nào. Ông Huỳnh Thái Cảnh cũng là một trong những cựu chiến binh thường xuyên đến thắp hương cho đồng đội vào những dịp lễ, tết. Ông cho biết, để đất nước có ngày toàn thắng, nhiều đồng đội, đồng chí của ông đã vĩnh viễn nằm xuống đất mẹ. Sau 46 năm, bản thân ông và người dân cả nước được sống trong hòa bình, tự do, quê hương đất nước ngày càng phát triển, vị thế của Việt Nam ngày càng được thế giới đánh giá cao và nể phục. Vì vậy, đến thắp những nén hương tri ân sâu sắc của người còn sống đối với những người đã khuất cũng là lời nhắn gửi với đồng đội về những đổi thay của quê hương, đất nước.

Tiếp nối…

Câu chuyện mùa xuân đại thắng, độc lập và thống nhất ngày hôm nay một phần được viết nên bởi những người đã ngã xuống hôm qua. Thế hệ trẻ, những người chỉ hiểu về cuộc chiến qua sách vở và qua những lời kể của lớp người đi trước, cũng muốn góp một chút sức mình, để sống xứng đáng với người nằm xuống.

Thế hệ trẻ tri ân các anh hùng

Mỗi lần đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, tôi lại bắt gặp những gương mặt trẻ tìm đến đây với mục đích tri ân những hy sinh, máu xương đổ xuống để biến khát vọng thành hiện thực - khát vọng thống nhất non sông, để yêu thương tìm về yêu thương, để dân tộc này, đất nước này chỉ là một - như hai tiếng của một từ không thể tách nhau. Anh Lâm Hồng Tuyên, Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận bày tỏ: “Trân trọng, tri ân và khắc ghi những hy sinh to lớn đó của thế hệ đi trước, trong nhiều năm qua, lớp lớp thanh niên Bình Thuận đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện lòng tự hào và nêu cao đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Đặc biệt, hàng năm, cứ vào dịp lễ, tết, các đoàn viên thanh niên đều đến thắp hương tưởng nhớ, quét dọn, trồng hoa, sửa sang, làm mới lại từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Việc làm này là trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với thế hệ cha anh đi trước. Bên cạnh đó, thông qua những việc làm trên mỗi người trẻ sẽ hiểu thêm giá trị của hòa bình, độc lập. Từ đó sống có trách nhiệm và phấn đấu góp phần giữ vững nền hòa bình, độc lập của đất nước ở mỗi vai trò, vị trí công tác của mình”.

Máu lửa khốc liệt đã qua. Ngày nay hoa đã nở. Thế nhưng những cống hiến, những hy sinh để đổi lấy độc lập cho ngày hôm nay của những người đã ngã xuống sẽ còn mãi trong tâm thức của những người đang sống. Và qua từng thời gian, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh sẽ mãi là nơi chứng kiến những ân tình.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đóng trên địa bàn xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc là nơi yên nghỉ của hơn 9.000 phần mộ liệt sĩ. Các anh nằm đây như chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Ngọc Diệp

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/noi-ghi-dau-nhung-an-tinh-137127.html