Noi gương những chiến sĩ Anh hùng

PTĐT - Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, đến các đơn vị thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2, chúng tôi đều cảm nhận khí thế thi đua sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan...

Chiến sĩ thuộc Trung đoàn 98 học tập, tham quan tại Nhà truyền thống Sư đoàn 316.

PTĐT - Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, đến các đơn vị thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2, chúng tôi đều cảm nhận khí thế thi đua sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị hướng tới chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Sư đoàn (01/5/1951-01/5/2021). Tại Nhà truyền thống Sư đoàn các chiến sĩ trẻ Trung đoàn 98 đang chăm chú lắng nghe, ghi chép về lịch sử truyền thống đơn vị. “Các đồng chí ạ! trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 316 luôn đoàn kết, mưu trí, chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng quân và dân cả nước thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình. Vâng! chính những thành tích tự hào ấy Sư đoàn cùng 16 tập thể và 23 cá nhân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...”. Nghe lời giới thiệu của Thượng úy QNCN Phùng Thị Hoài Thương, nhân viên thư viện thuộc Sư đoàn 316 nhiều chiến sĩ trẻ tỏ rõ sự tò mò, háo hức trước khi bắt đầu buổi học tập và tham quan Nhà truyền thống. Nhiều đồng chí còn nhanh chóng ghi lại nội dung lời của thuyết minh viên, khi chị kể về những chiến công của các Anh hùng liệt sĩ. “…Khẩu trung liên của Chu Văn Pù chưa bắn được vì vận động lên không có chỗ đặt súng. Tình thế hết sức khẩn trương, không ngần ngại Bế Văn Đàn chạy tới cầm hai chân trung liên đặt lên vai và hô bạn bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết hết chúng nó đi, Pù nghiến răng nổ súng vào đội hình quân địch, quật ngã liên tiếp hàng chục tên. Địch hoảng hốt bỏ chạy, đợt phản kích của chúng bị bẻ gãy”. Kể về khoảnh khắc chiến đấu của Bế Văn Đàn trước khi hy sinh giọng chị Hoài Thương chùng xuống, nhưng có lúc lại trở nên hào sảng, đanh thép khi chị kể về sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm của anh trước họng súng quân thù. Chiến sĩ Trương Ngọc Đức thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98 tự hào chia sẻ: “Tôi rất yêu thích môn lịch sử và được biết đến những chiến công hiển hách của các anh hùng La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô… thật vinh dự, tự hào tôi lại được học tập, rèn luyện tại Sư đoàn 316, đơn vị mà các chiến sĩ ưu tú ấy từng chiến đấu. Tôi tự nhủ bản thân cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp cha anh đã ngã xuống để đổi lấy hòa bình và tự do cho Tổ quốc ngày hôm nay”. Được biết trước khi vào bộ đội Trương Ngọc Đức đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ở môi trường mới Đức luôn là cá nhân tiêu biểu trong tập thể, hăng hái trong mọi hoạt động ở đơn vị. Chiến sĩ Thào Seo Páo, Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98 thổ lộ: “Những hiện vật, kỷ vật chiến tranh được trưng bày, giới thiệu tại Nhà truyền thống Sư đoàn rất thiêng liêng và bổ ích đối với chúng em. Tấm gương của các Anh hùng liệt sĩ ấy như tiếp thêm cho chúng em động lực phấn đấu. Em xin hứa sẽ phấn đấu, rèn luyện thật tốt để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội”.Đại tá Đỗ Duy Chinh, Phó Chính ủy Sư đoàn 316 chia sẻ: Hoạt động giáo dục truyền thống là một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Sư đoàn. Thời gian qua đơn vị phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “70 ngày thần tốc, quyết thắng” các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua được các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể rất thiết thực trong học tập, huấn luyện, công tác. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền Sư đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động như: Tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu 70 năm truyền thống Sư đoàn; tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, các bác Cựu chiến binh và đơn vị kết nghĩa cùng tham gia.Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo xây dựng phim truyền thống: “Sư đoàn 316- 70 năm vinh quang một chặng đường” và “Những dấu chân Sư đoàn”. Đây thực sự là nguồn tư liệu rất quý được chọn lọc, biên tập công phu, trong đó phim khái quát những nét truyền thống tiêu biểu nhất trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn. Ngay sau khi xây dựng xong Sư đoàn 316 phối hợp với các địa phương công chiếu rộng rãi trên truyền hình vào đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Sư đoàn, đồng thời in thành đĩa cấp đến đầu mối từng đại độ để lưu giữ và làm nguồn tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

CAO MẠNH TƯỜNG (Báo Quân khu 2)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202104/noi-guong-nhung-chien-si-anh-hung-176670