Nói không với 'nhập Nga', Belarus lại mắc kẹt trong thế khó 'thoát Nga'
Mối quan hệ Nga – Belarus đột ngột căng thẳng từ cuối năm ngoái. Phía Belarus không muốn lệ thuộc vào Nga nhưng việc thoát khỏi ảnh hưởng từ Nga không dễ dàng khi Nga đang cung cấp nguồn năng lượng chính cho Belarus.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm qua 24.1 đã đề xuất một cuộc họp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để giải quyết tranh cãi liên quan đến nguồn cung dầu trong bối cảnh xuất khẩu của Moscow tới Minsk sẽ chấm dứt vào tháng tới.
Tranh cãi giữa hai nước về các điều khoản cung cấp dầu đã khiến các nhà cung cấp truyền thống đến Belarus - Rosneft, Lukoil, Gazpromneft và Surgutneftegaz - tạm dừng xuất khẩu dầu từ ngày 1.1.
Công ty dầu mỏ thuộc nhà nước Belneftekhim cho biết họ chưa ký được bất kỳ hợp đồng cung cấp mới nào từ Nga. Đến hôm qua, họ dự kiến các công ty Safmar là Russneft và Neftisa, được kiểm soát bởi gia đình của ông trùm Mikhail Gutseriyev, sẽ là nguồn dầu còn sót lại của Nga xuất sang Belarus vào tháng tới.
Các nguồn tin trước đây nói với Reuters rằng Bộ Năng lượng Nga, nơi giám sát hạn ngạch xuất khẩu dầu, đã cấp phép cho hai công ty xuất khẩu 750.000 tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.
Các doang nghiệp cho biết, với mức giá đó, tối đa 250.000 tấn sẽ duy trì mỗi tháng, chỉ đáp ứng 1/6 khối lượng mà nhà máy lọc dầu của Belarus tiêu thụ hằng tháng và hụt xa số lượng cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của các nhà máy lọc dầu.
Safmar Group từ chối bình luận về kế hoạch cung cấp của mình còn nhà điều hành đường ống Transneft đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Căng thắng Nga - Belarus đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không ngại lên tiếng cáo buộc Moscow gây áp lực buộc đất nước ông sáp nhập với Nga và tuyên bố sẽ không để điều đó xảy ra.
Trao đổi với công nhân của một nhà máy giấy ở miền đông Belarus vào hôm qua 24.1, ông Lukashenko đã tuyên bố Nga, nhà cung cấp dầu và khí đốt giá rẻ cho Belarus, đã tạm dừng cung cấp dầu để “giải thể Belarus ... nhập với nước Nga anh em".
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thúc đẩy tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, đang bị đình trệ. Thậm chí, Belarus coi đây là cách của Moscow để nhập 2 nước làm một.
"Chúng tôi có đất nước của riêng mình, chúng tôi có chủ quyền và độc lập. Với khối óc và bàn tay của mình, chúng tôi làm được mọi thứ có thể, chúng tôi đang xây dựng đất nước của mình. Và chúng tôi không thể làm một phần của một quốc gia khác", Lukashenko nói. "Tôi không thể phản bội các bạn và giải thể Belarus, ngay cả nhập với nước Nga anh em".
Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Belarus sau ngày 31.12. Hai nước đã không thể chốt lại giá dầu trong các cuộc đàm phán gần đây.
Việc đình chỉ của Nga không ảnh hưởng tới ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga chảy qua Belarus đến châu Âu. Thế nhưng, việc này đã gây ra hậu quả cho Belarus, nơi phụ thuộc hơn 80% nhu cầu năng lượng từ Nga.
Ông Lukashenko cũng đã tuyên bố sẽ tìm nhà cung cấp dầu thay thế. Ông cho biết Belarus hiện đang đàm phán Mỹ, Ả Rập Saudi và UAE để tìm nguồn bổ sung. Đầu tuần qua, chính quyền Minsk tuyên bố sẽ nhập khẩu dầu từ Na Uy.
"Người Mỹ, Ả Rập Saudi, UAE ... Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với họ. Họ nói rằng sẽ cung cấp nhiều dầu khi cần thiết", Lukashenko cho biết như cách khẳng định sẽ không muốn biến làm con tin.
Điện Kremlin gần đây đã gia tăng áp lực đối với Belarus bằng cách tăng giá năng lượng và cắt giảm trợ cấp. Moscow lập luận rằng Belarus nên chấp nhận hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn nếu muốn tiếp tục nhận được các nguồn năng lượng với giá ưu đãi (ngang mức trong nước) của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hai vòng đàm phán với Lukashenko vào tháng 12 nhưng họ đã không đồng thuận về mối quan hệ chặt chẽ hơn và giá dầu khí.
Ông Putin nói rằng Nga chưa sẵn sàng "trợ cấp" năng lượng mà không hội nhập kinh tế nhiều hơn với Belarus. Ngược lại, ông Lukashenko khẳng định sẽ không ký vào hội nhập cho đến khi các vấn đề về nguồn cung cấp dầu khí được giải quyết.
Các cuộc đàm phán đã thúc đẩy lo ngại ở Belarus rằng Điện Kremlin đang theo đuổi tham vọng thành lập một nhà nước họp nhất với Belarus để dọn đường giúp Putin nắm quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.
Ông Lukashenko đã nhiều lần từ chối ý tưởng này, nói rằng Belarus sẽ không bao giờ trở thành một phần của Nga. "Ngay cả khi tôi đồng ý với điều đó, người dân Belarus sẽ ăn sống tôi trong vòng một năm," ông Lukashenko nói.
"Thật vinh dự khi là người đầu tiên (làm tổng thống Belarus), nhưng tôi chắc chắn không muốn là người cuối cùng".