Nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Tia hy vọng le lói
Việc Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Mỹ đã cho thấy không gian hợp tác song phương rất lớn, tuy nhiên, lập trường cứng rắn của hai bên có thể là trở ngại không dễ vượt qua.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires (Argentina), hai bên đã đạt được thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày. Phía Trung Quốc cam kết mua hơn 20 triệu tấn đậu tương, thịt lợn và ngô từ Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ hồi đầu tháng 5/2019, Trung Quốc tuy nói là sẽ tiếp tục mua sắm hàng hóa Mỹ, nhưng đã đẩy lùi thời gian giao hàng. Có dư luận cho rằng kế hoạch mua sắm trên không phải là một phần trong thỏa thuận đình chiến.
Tuy nhiên, những động thái mua nông sản Mỹ của Trung Quốc gần đây có thể mang ý nghĩa khác. Bởi sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn lương thực và sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Phía Mỹ sẽ đưa cho Trung Quốc bản danh sách các mặt hàng cần mua sắm. Trong khi đó, tại cuộc họp báo hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông sản là vấn đề quan trọng hai bên cần thảo luận, tìm biện pháp giải quyết trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, xuất phát từ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Ông Cao Phong hy vọng phía Mỹ sẽ thực hiện cam kết cho phép doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Như vậy, việc mua sắm nông sản Mỹ có thể đã trở thành một phần thỏa thuận đình chiến lần này. Trên thực tế, chỉ dấu đã xuất hiện thông qua hành động thực tế. Nhiều giờ trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20 ở Osaka, Bộ Nông nghiệp Mỹ bất ngờ công bố thỏa thuận Trung Quốc đặt mua 544.000 tấn đậu tương của Mỹ, đạt quy mô lớn nhất kể từ tháng 3/2019.
Mới đây nhất, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Hiệp hội Gạo Mỹ Michael Klein cho biết có nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt mua 40 tấn gạo hạt vừa ở bang California. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phía Trung Quốc mua gạo từ Mỹ, do đó giới xuất khẩu gạo Mỹ hy vọng giao dịch này sẽ đặt nền móng cho gạo Mỹ bước chân vào thị trường Trung Quốc.
Quan trọng hơn, “động thái lịch sử” nói trên diễn ra trước khi Mỹ-Trung chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Mỹ-Trung đang sắp xếp để các quan chức chủ quản vấn đề kinh tế - thương mại của hai nước tiến hành đàm phán vào tuần tới.
Phía Mỹ là Đại diện Thương mại Robert Lithighzer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, còn phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Do vậy, theo hãng tin Bloomberg, việc nhà nhập khẩu Trung Quốc lần đầu tiên mua gạo Mỹ được nhìn nhận như một tín hiệu bày tỏ thiện ý trước thềm đàm phán thương mại song phương. Nhưng lượng đặt mua cụ thể thế nào phụ thuộc vào tiến triển sau khi đàm phán thương mại được nối lại.
Đành rằng, như tuyên bố của ông Cao Phong, Mỹ và Trung Quốc bổ trợ cho nhau tương đối mạnh trong lĩnh vực trao đổi nông phẩm, không gian hợp tác cũng rất lớn. Nhưng tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung phụ thuộc rất lớn vào sự thỏa hiệp, nhượng bộ giữa hai bên, điều mà tới nay xem ra rất khó xuất hiện, chí ít trong tương lai gần.
Bằng chứng là ông Cao Phong cho rằng việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc là khởi điểm của va chạm kinh tế thương mại song phương. Cho nên, hai bên muốn đạt được thỏa thuận thương mại, thuế quan trừng phạt phải được bãi bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Larry Kudlow lại nhấn mạnh Mỹ sẽ không dỡ bỏ biện pháp thuế quan hiện nay đối với hàng hóa Trung Quốc trong thời gian diễn ra đàm phán.
Một cản trở khác, theo Nhật báo Phố Wall, là tuy quy mô nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ lớn hơn rất nhiều quy mô nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn là nước cung ứng duy nhất cho Trung Quốc nhiều công nghệ then chốt. Hơn nữa, nhiều nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng trung thành với Mỹ hơn. Cho nên, Mỹ giành thế chủ động trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Dẫu vậy, Trung Quốc cũng có ưu thế của mình, đó là mục tiêu của phía Trung Quốc rõ ràng không thay đổi, đó là từng bước nâng cao trình độ phát triển cùng với việc bảo vệ cục diện chính trị ổn định. So với việc Mỹ tồn tại bất đồng lớn về vấn đề đạt được thảo thuận thương mại như thế nào với Trung Quốc, hay có dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei hay không, rõ ràng đây là ưu thế lớn của Trung Quốc.
Dưới sự tác động của các nhân tố nêu trên, kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như vẫn còn rất mông lung và phức tạp./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/noi-lai-dam-phan-thuong-mai-my-trung-tia-hy-vong-le-loi/127242.html