Nối lại hoạt động dạy, học sau bão lũ

Đến thời điểm này, phần lớn các cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía bắc và Đông Bắc Bộ - nơi chịu ảnh hưởng cơn bão số 3, đã đón học sinh trở lại, có kế hoạch dạy bù để kịp tiến độ chương trình.

Đến thời điểm này, phần lớn các cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía bắc và Đông Bắc Bộ - nơi chịu ảnh hưởng cơn bão số 3, đã đón học sinh trở lại, có kế hoạch dạy bù để kịp tiến độ chương trình.

Học sinh Trường mầm non xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) trong giờ học.

Học sinh Trường mầm non xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) trong giờ học.

Cùng với đó, sự sẻ chia, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân là nguồn động lực to lớn để thầy và trò vượt qua giai đoạn khó khăn, và giúp cho việc dạy học an toàn, không bị gián đoạn.

Năm học 2024-2025 đã bắt đầu gần một tháng, song mới đây, hơn 600 học sinh Trường tiểu học Hồng Thái (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái), mới được trở lại trường học tập sau hai tuần bị nước lũ chia cắt. Do nằm sát sông Hồng, khi nước dâng cao hơn 4m so với sân trường, các thiết bị dạy và học bị ngâm trong nước, gây hư hỏng toàn bộ.

Cô giáo Trần Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau hai tuần khắc phục hậu quả thiên tai, nhà trường đã được các nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ ba xe ô-tô 16 chỗ chở học sinh vượt qua bùn lầy đến trường.

Cùng với đó, rất nhiều các nhà tài trợ, đơn vị trường học trên cả nước đã hỗ trợ đồ dùng thiết thực như: bàn ghế, bát đĩa, nồi cơm, đồ dùng học tập, quần áo…

Đến thời điểm này, ngoài việc ổn định tổ chức, thăm hỏi động viên, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (nhà sập không có nơi ở, có người thân bị chết do thiên tai, bị trôi hết tài sản...), Ban giám hiệu nhà trường đã lên lịch dạy và học bù vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, bảo đảm tiến độ chương trình đã đề ra.

Ngay khi bão đi qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đi kiểm tra, trao hỗ trợ cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái số tiền 1 tỷ đồng; hỗ trợ gia đình học sinh thiệt mạng và mất tích mỗi trường hợp 10 triệu đồng; học sinh bị thương mỗi em 2 triệu đồng; học sinh bị thương và mất người thân được hỗ trợ 5 triệu đồng; giáo viên bị thương hỗ trợ 5 triệu đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Đào Anh Tuấn, ngành Giáo dục đã thống kê và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh xin cung ứng đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho những học sinh bị thiệt hại.

Hiện tại, 22.000 học sinh các cấp của tỉnh đã được hỗ trợ và phát sách giáo khoa. Các trường học kịp thời điều chỉnh lịch dạy bù, học bù vào các ngày nghỉ trong tuần, không để ảnh hưởng chương trình học của học sinh lớp 12.

Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Bùi dâng cao, đến thời điểm này, nhiều trường học vẫn ngập sâu trong nước, học sinh vẫn chưa thể quay trở lại trường. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đã xây dựng phương án học nhờ để duy trì việc học.

Theo đó, học sinh Trường tiểu học Nam Phương Tiến A học nhờ tại địa điểm của Trường trung học cơ sở Nam Phương Tiến B, Trường trung học cơ sở Nam Phương Tiến A học nhờ tại Trường trung học cơ sở Tân Tiến.

Thầy giáo Nguyễn Bá Thắng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nam Phương Tiến A cho biết: Hiện tại, nước vẫn ngập đến thắt lưng cho nên nhà trường không thể tổ chức dạy học.

Được sự đồng ý của cấp trên, từ ngày 23/9, toàn bộ học sinh của trường đi học nhờ tại Trường trung học cơ sở Tân Tiến. Thông tin này khiến tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh rất vui mừng.

Đến nay, 100% số học sinh đã đi học trực tiếp. Trong số hơn 200 học sinh nhà trường, có khoảng hơn 90 em nhà xa được UBND xã quan tâm, tổ chức xe đưa đón hằng ngày.

Để đón học sinh trường bạn, lãnh đạo Trường trung học cơ sở Tân Tiến đã khẩn trương sắp xếp cơ sở vật chất, triển khai cho tất cả học sinh nhà trường học buổi sáng, nhường toàn bộ lớp học, cơ sở vật chất để Trường trung học cơ sở Nam Phương Tiến A tổ chức cho học sinh học buổi chiều.

"Trong thời gian trường bạn học nhờ, nhà trường ủng hộ chi phí điện, nước, bố trí cả phòng làm việc cho ban giám hiệu, phòng hội đồng cho giáo viên. Nhà trường quyết định dành một phần kinh phí để hỗ trợ ba trường gồm: mầm non Nam Phương Tiến A, tiểu học Nam Phương Tiến A và trung học cơ sở Nam Phương Tiến A, mỗi trường 5 triệu đồng”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Để san sẻ khó khăn chồng chất sau bão cho các nhà trường bị ảnh hưởng bão lũ, nhiều địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình khẩn trương phát động các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh quyên góp sách vở, đồ dùng học tập ủng hộ học sinh vùng lũ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Chỉ trong năm ngày phát động, ngành giáo dục Ninh Bình đã nhận được gần 120.000 sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hơn 500.000 vở viết, hơn 165.000 chiếc bút, gần 5 nghìn ba lô, cặp sách, cùng hàng chục nghìn dụng cụ, đồ dùng học tập từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông với tổng số lượng 100 tấn hàng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục ưu tiên bảo đảm an toàn cho học sinh, có thể linh động học trực tuyến nếu cần thiết, sớm ổn định tâm lý để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất…

Tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ cấp mầm non đến phổ thông, bao gồm cả học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2024-2025 nhằm chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, giúp học sinh tiếp tục được đến trường.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai việc hỗ trợ học phí cho học sinh tại vùng bị ảnh hưởng bão lũ.

Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

Trong đó lưu ý rà soát, có phương án phù hợp để đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập.

Đối với những học sinh phải di chuyển quá xa nhà, có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.

Ngoài ra, huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên và học sinh các trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng học sinh phải nghỉ học.

Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Mặt khác, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ I và cả năm học theo kế hoạch giáo dục chung của địa phương và cả nước.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/193999/noi-lai-hoat-dong-day,-hoc-sau-bao-lu.htm