Nỗi lo đầu năm học mới. Bài 1: Chuyện thiếu giáo viên chưa hết 'nóng'
Thời điểm này, lãnh đạo các nhà trường quan tâm nhất việc thiếu người giảng dạy, còn giáo viên hợp đồng (GVHĐ) lại băn khoăn không biết liệu có tiếp tục được làm việc nữa hay không?
Thiếu khoảng 1.200 giáo viên hợp đồng
Gần đến ngày trẻ tựu trường, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Thanh Tùng (Thanh Miện) lo lắng vì thiếu giáo viên. Năm học trước, ngoài giáo viên trong định mức, trường có thêm 8 GVHĐ. Năm học 2019 - 2020, trường có 17 nhóm, lớp nên đã được giao 30 biên chế, trong đó có 26 giáo viên. Nhưng đến nay, tỉnh chưa chỉ đạo về việc có được tiếp tục sử dụng GVHĐ hay không nên trường rất băn khoăn. Nếu tính giáo viên trong biên chế được giao thì trường chỉ còn 26 người (2 người đang nghỉ thai sản), tỷ lệ 1,52 giáo viên/nhóm, lớp. Tỷ lệ này chưa bảo đảm định mức tỉnh giao 1,8giáo viên/lớp ở bậc mầm non. Do khó bố trí giáo viên cho từng nhóm, lớp nên nhà trường lo không đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
Một trong những cơ sở giáo dục có số lớp tăng nhiều nhất tỉnh hiện nay là Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương). Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2019 - 2020, trường này thêm 14 lớp. Năm học này, trường có 39 lớp với 1.900 học sinh nhưng chỉ có 62 biên chế. Hiện nay, tỉnh giao định mức giáo viên ở cấp THCS là 1,85 giáo viên/lớp. Căn cứ vào định mức này, so với quy mô học sinh, số lớp như hiện nay, trường còn thiếu 17 giáo viên. Mặc dù chưa có chỉ đạo của tỉnh nhưng nhà trường vẫn phải lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cho GVHĐ của năm trước và động viên các thầy cô dạy thêm giờ.
Ở cấp tiểu học, tỉnh giao định mức 1,43 giáo viên/lớp. Nhiều trường chưa có đủ giáo viên theo định mức này. Theo quy định, giáo viên dạy văn hóa mới được làm chủ nhiệm lớp. Do thiếu giáo viên văn hóa nên nhiều trường phải sử dụng cả giáo viên dạy thể dục, âm nhạc, mỹ thuật làm chủ nhiệm.
Năm học 2018 - 2019, các trường trong tỉnh sử dụng khoảng 1.200 GVHĐ vượt định mức giao do nhu cầu công việc. Với quy mô trường, lớp năm học 2019 - 2020, số giáo viên còn thiếu tương đương năm học trước. Hầu hết các bậc học hiện nay đều có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn nhiều so với định mức tỉnh giao. Ví dụ ở huyện Thanh Miện, bậc mầm non chỉ có 1,65 giáo viên/lớp, tiểu học 1,22 giáo viên/lớp.
Thu nhập thấp
Thời gian qua, chế độ, chính sách đối với GVHĐ của tỉnh còn nhiều bất cập. Theo quy định, năm học 2018 - 2019, mức khoán kinh phí chi trả cho GVHĐ là 24.700 đồng/giờ ở bậc mầm non, 43.000 đồng/tiết cấp tiểu học, 55.000 đồng/tiết cấp THCS, 68.000 đồng/tiết cấp THPT. Mức chi trả này thấp, không bảo đảm cuộc sống và chưa phản ánh đúng công sức, cống hiến của họ, nhất là giáo viên dạy mầm non. Cô giáo Trương Thị Phong ở Trường Mầm non Tái Sơn (Tứ Kỳ) chia sẻ: "Hằng tháng, trừ các khoản, tôi chỉ còn nhận được tiền công 3.290.000 đồng. Tôi đã có gia đình và 2 con, chồng tôi thu nhập cũng thấp nên cuộc sống khá khó khăn. Chúng tôi chỉ được trả 8 giờ/ngày nhưng thực tế phải làm việc ở trường 10 - 12 giờ/ngày. Tôi đang định bỏ việc để tìm chỗ làm mới".
Một thiệt thòi nữa là GVHĐ không được hưởng phụ cấp đứng lớp trong năm học và tiền công dịp hè. Dù nghỉ hè nhưng giáo viên vẫn phải làm các công việc chuẩn bị năm học mới. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cho biết do thiếu giáo viên nên họ phải dạy vượt giờ so với quy định (quy định không quá 200 giờ) nhưng số giờ vượt này lại không được chi trả.
Vì chế độ, chính sách còn bất cập, 2năm gần đây, nhiều GVHĐ và giáo viên biên chế đã bỏ việc. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, từ đầu năm đến nay, huyện có hơn 20 giáo viên bỏ việc. Nhiều trường mầm non, tiểu học muốn thuê giáo viên nhưng cũng khó vì nhiều người không muốn đi làm. "Thời gian qua, chúng tôi tìm được 2 người có bằng cao đẳng tiểu học mời đi dạy thì họ không đồng ý. Họ cho rằng lương thấp, công việc bấp bênh nên ở nhà làm việc khác", cô giáo Phạm Thị Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lam Sơn (Thanh Miện) nói.
Hiện nay, lãnh đạo nhà trường, giáo viên đều mong muốn tỉnh sớm chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng, nâng cao chế độ, chính sách cho GVHĐ; cho phép các trường ký hợp đồng mới nếu vẫn còn công việc chưa có người đảm nhiệm. Tỉnh cũng cần giao số lượng biên chế phù hợp với quy mô trường, lớp, sớm tổ chức tuyển dụng viên chức để đội ngũ GVHĐ ổn định tư tưởng, yên tâm dạy học, bảo đảm cuộc sống.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Duy Hưng, thời gian qua, sở cùng với Sở Nội vụ đã họp bàn và tham mưu với tỉnh phương án tiếp tục sử dụng đội ngũ GVHĐ của năm trước. Để giải quyết lâu dài, cuối năm nay, tỉnh có thể sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức đối với giáo viên.