Nỗi lo đi làm thêm
Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo đối với sinh viên, việc đi làm thêm chỉ nên dừng lại ở mức làm quen. Học tập vẫn phải là ưu tiên hàng đầu để nắm bắt kiến thức, kỹ năng cốt lõi.
Khác với khối phổ thông, sinh viên bên cạnh việc học tập tại trường còn có nhiều mối quan tâm khác, trong đó đi làm thêm được nhiều em lựa chọn song song với việc học. Tùy chuyên ngành cũng như năng lực, mong muốn của mỗi người mà sinh viên quyết định thử sức với các công việc làm thêm khác nhau. Do tính chất đa dạng của các công việc, có sinh viên chọn việc làm mất 1-2 giờ mỗi ngày, nhưng cũng có em làm tới 8 giờ mỗi ngày, thậm chí là hơn. Khi dành quá nhiều thời gian cho việc làm thêm có thể ảnh hưởng tới việc học.
Theo GS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn hàng năm của trường vào khoảng 60%. Cộng với số tốt nghiệp muộn, tỷ lệ sinh viên có bằng ở mỗi khóa khoảng 90%, tức vẫn còn 10% không được lấy bằng. Lý do tốt nghiệp muộn và không lấy bằng chủ yếu do sinh viên đi làm sớm, mải mê làm việc mà bỏ bê nhiệm vụ chính là học tập. Trong số không lấy được bằng, một lượng rất nhỏ sinh viên giỏi, khởi nghiệp sớm, còn đa số dính “bẫy thu nhập trung bình”.
“Bẫy thu nhập trung bình chỉ việc các em đi làm sớm, có thu nhập sớm nhưng nhiều năm cũng không thể đạt được mức lương, vị trí cao hơn, mà chỉ có thể là nhân công bình thường” - ông Trình nói. Mức này, theo ông khoảng 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Theo các chuyên gia, khi sinh viên đi làm sớm mà bỏ bê việc học tại trường sẽ bỏ lỡ những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường. Sau tốt nghiệp, các em khó làm những việc mang tính đổi mới sáng tạo, bị gạt ra khỏi nhóm lao động chất lượng cao mà thị trường đang cần.
Trên thực tế không chỉ mỗi tại Trường ĐH Công nghệ mà nhiều trường ĐH, cao đẳng khác cũng ghi nhận tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn, trượt tốt nghiệp khá cao. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, gần 50% sinh viên tốt nghiệp muộn. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Công nghệ, tỷ lệ đều khoảng 30%. Một trong những lý do là vì sinh viên mải mê làm thêm mà lãng quên việc học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong trường dẫn đến khó tốt nghiệp.
Về phía doanh nghiệp cũng khuyến cáo người học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần tập trung chính vào việc học, xác định công việc làm thêm chỉ mang tính chất học hỏi nếu sắp xếp được thời gian và không bỏ lỡ việc học ở trường thì có thể tham gia nhưng cần cân đối thời gian.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục phân tích, làm thêm ngoài giờ học giúp sinh viên tăng kinh nghiệm, kỹ năng, giảm bớt gánh nặng gia đình là điều tốt. Song cần cân bằng để không ảnh hưởng đến việc học. Nếu vì làm thêm mà không thể hoàn thành chương trình học nhiều môn, bỏ lỡ những dịp quan trọng như ngày tết với gia đình…, phải học và thi lại, ra trường muộn so với kế hoạch sẽ còn gây tổn hại gấp nhiều lần về mặt thời gian, tiền bạc… so với những gì các em kiếm được. Vì vậy, cần tỉnh táo lựa chọn công việc làm thêm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo khi chọn công việc làm thêm, sinh viên nên chọn việc có liên quan hoặc gần với chuyên ngành học để trau dồi thêm kiến thức thực tế; lựa chọn nơi làm việc uy tín, mô tả công việc minh bạch, rõ ràng để tránh các công ty lừa đảo, đa cấp tận dụng sinh viên.
Sinh viên khi tham gia phỏng vấn hay xin việc ở đâu cần tìm hiểu rõ thông tin công việc sẽ làm, mức thu nhập, điều kiện khi không theo được… Bên cạnh đó, những sinh viên chưa có kinh nghiệm làm thêm nên hỏi bố mẹ, người thân, bạn bè, anh chị… về kinh nghiệm, lời khuyên trước khi quyết định lựa chọn việc làm thêm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-lo-di-lam-them-10276541.html