Nỗi lo hàng hóa tăng kép theo giá điện, doanh nghiệp sản xuất gặp khó

Kể từ tháng 5 năm ngoái đến nay, giá điện đã tăng 3 lần, nâng tổng mức tăng lên 12%.

Xăng - điện "rủ nhau" tăng giá

Ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Như vậy, kể từ tháng 5 năm ngoái đến nay, giá điện đã tăng 3 lần, nâng tổng mức tăng lên 12%. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện cứ tăng 10% sẽ tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33%. Điều này khiến không ít người dân lo lắng, không chỉ vì tiền điện hàng tháng tăng mà còn dẫn đến những chi phí hàng hóa tiêu dùng cũng tăng theo.

Vốn là một bà nội trợ quản lý chi tiêu gia đình, chị Hồng (Hà Nội) bày tỏ quan ngại: "Giờ ra chợ thấy cái gì cũng đắt đỏ, tính từ năm ngoái đến nay giá rau xanh đã tăng gấp đôi, thịt lợn cũng phải tăng 20.000-25.000/kg. Chỉ còn vài tháng nữa là tới Tết, vì vậy, tôi lo lắng nhu cầu tiêu thụ cao cũng tạo ra sức ép lớn cho việc chi tiêu".

Tính từ năm ngoái đến nay giá rau xanh đã tăng gấp đôi (Ảnh: Thanh Loan)

Tính từ năm ngoái đến nay giá rau xanh đã tăng gấp đôi (Ảnh: Thanh Loan)

Cùng chung tâm lý lo lắng với chị Hồng, chủ một quán bún tại Nam Từ Liêm cũng chia sẻ: "Từ đợt bão rồi lại kèm tăng giá điện, tiền rau thôi cũng phải đắt gấp rưỡi. Kinh tế thì khó khăn, buôn bán cũng ảm đạm. Bình thường đã vắng vẻ, không biết tăng giá lên có bán nổi không nữa".

Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), các hộ sử dụng từ 200-300kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí điện từ 32.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 300-400kWh/tháng sẽ làm các hộ tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả khoảng 62.000 đồng/tháng.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Tuy nhiên, với một nhóm người là sinh viên, người lao động đi thuê nhà lại là một ảnh hưởng lớn.

Giá điện tại các nhà trọ ở Hà Nội thời điểm trước khi tăng giá là 3.500-4.000/kWh.

Giá điện tại các nhà trọ ở Hà Nội thời điểm trước khi tăng giá là 3.500-4.000/kWh.

Theo đó, giá điện tại các nhà trọ ở Hà Nội thời điểm trước khi tăng giá là 3.500-4.000/kWh. Anh Hùng (Hà Nội) chia sẻ: "Ngay khi có thông báo tăng giá điện, chủ trọ cũng đã nâng mức điện hàng tháng lên 4.500/kWh. Bình thường chi phí sống tại Hà Nội đã cao, nay điện tăng cái gì cũng tăng theo. Doanh nghiệp nào cũng kêu khó khăn, không thấy tăng lương, cũng chẳng có những khoản thưởng như năm trước."

Trong ngày 11/10, EVN cũng đã tổ chức họp báo để giải thích lý do tăng giá điện, cụ thể việc tăng giá điện lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng: chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Đặc biệt, giá thành sản xuất điện chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào như giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ... Đồng thời, EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Nói về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế , Học viện Tài chính cho biết từ năm ngoái đến nay, do hậu quả của El Nino mà lượng điện giá rẻ, đặc biệt là thủy điện đã giảm một cách đáng kể.

Việc tăng giá điện còn tùy thuộc vào từng đối tượng và mức độ sử dụng nhiều hay ít. Nếu như cộng tổng cả nền kinh tế thì mức tăng giá điện 4,8% cũng không có nhiều tác động đáng lo ngại, tác động đến lạm phát là rất thấp.

Bài toán cho doanh nghiệp sản xuất

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Đức Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Nhật Minh, đơn vị sản xuất ống nhựa Esoha cho biết giá điện thường chiếm 15-20% trong giá thành sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc tăng giá điện lần này đã ảnh hưởng đến đơn vị do điện là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng với tần suất nhiều và ngày càng tăng.

"Điện từ trước đến nay chỉ có tăng chứ không giảm, vì vậy Nhật Minh cũng đã đưa ra chỉ đạo tiết kiệm trong tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất, tiết kiệm ở từng cá nhân, từng bộ phận trong công ty", ông Thái chia sẻ.

Giá điện thường chiếm 15-20% trong giá thành sản xuất sản phẩm của Nhật Minh Plastic (Ảnh: NVCC).

Giá điện thường chiếm 15-20% trong giá thành sản xuất sản phẩm của Nhật Minh Plastic (Ảnh: NVCC).

Đồng thời, doanh nghiệp của ông Thái cũng có kế hoach sản xuất theo thời điểm từng mức giá điện của Nhà nước như khung giờ bình thường, khung giờ cao điểm, khung giờ thấp điểm.

Đối với anh Nguyễn Huy Chất - chủ một doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ tại Hà Nội, việc tăng giá điện là điều không thể tránh khỏi và sẽ có tác động ít nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: "Trận bão Yagi vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp như chúng tôi, nhiều đơn hàng bị chậm giao, hàng hóa máy móc thiệt hại… Có thể nói, tăng giá điện ở thời điểm hiện tại khá "nhạy cảm" khi rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất do điện chiếm 1 phần đáng kể trong cơ cấu giá vốn."

Đặc biệt, anh Chất cũng cho biết với các đơn hàng đã được ký kết từ trước đó, doanh nghiệp không thể thông báo tăng giá. Vì vậy, anh Chất cũng bày tỏ mong muốn EVN cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp sản xuất có thể nắm bắt và đưa ra phương án phù hợp.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế , Học viện Tài chính

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế , Học viện Tài chính

Nói về ảnh hưởng của giá điện với các doanh nghiệp sản xuất, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thực tế thì giá điện trong các khu vực này đang được EVN tài trợ và thấp hơn so với mức giá thực tế. Vì vậy, đã đến lúc cần tính đến chuyện có nên tính đúng định mức giá điện cho sản xuất, giá điện sản xuất như bây giờ còn khá thấp.

Đồng thời, ông Thịnh cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp phải chủ động thay đổi quy trình, đổi mới công nghệ để tối ưu năng lượng điện tiêu thụ. Và chính việc tính đúng, tính đủ giá điện theo đúng thị trường nâng giá điện thì cũng buộc doanh nghiệp ý thức nhiều hơn về việc sử dụng điện.

Cụ thể, điều này cũng góp phần thực hiện "xanh hóa" nền kinh tế, doanh nghiệp đồng thời sử dụng tiết kiệm điện cũng như sử dụng công nghệ mới để tối ưu chi phí.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến – Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng EVN cần giảm thiểu lượng điện than và tăng mức khai thác năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện và đồng thời cả điện nguyên tử.

"Nếu tăng giá điện lên nữa thì người dân và doanh nghiệp không chịu được sẽ có phản ứng. Vì vậy, cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và giảm thiểu việc phụ thuộc vào giá than, dầu, khí...", ông Hiến nhấn mạnh.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/noi-lo-hang-hoa-tang-kep-theo-gia-dien-doanh-nghiep-san-xuat-gap-kho-204241018171718188.htm