Nỗi lo từ việc phát triển nóng cây bơ (bài 1)
LTS: Những năm gần đây, cây bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Tây Nguyên, nhất là những dòng bơ chất lượng cao, trái vụ. Tại tỉnh Lâm Đồng, do lợi nhuận khá lớn nên người dân đổ xô vào trồng loại cây này. Nhưng, với tốc độ trồng bơ không kiểm soát của khắp các tỉnh, thành từ Sơn La đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ… diện tích bơ trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang tăng nhanh đến chóng mặt, khiến cây bơ đối mặt với nhiều thách thức về đầu ra của sản phẩm cũng như chất lượng vườn cây là một bài toán cần sớm được các ngành chức năng tìm lời giải.
Vụ thu hoạch bơ Booth hàng năm trên địa bàn tỉnh thường bắt đầu từ cuối tháng 8 kéo dài đến tháng 11. Với những ưu điểm như thời gian chín kéo dài, vỏ dày, cơm dày, ruột béo, nên bơ Booth là một loại bơ có giá bán cao, đem lại nguồn thu lớn cho người trồng nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng, năm nay, người trồng bơ Booth trong tỉnh lại buồn rầu vì giá xuống rất thấp.
Giá bơ thấp nhất trong 10 năm trở lại
Thời điểm này, hàng ngàn nông dân trồng bơ trong tỉnh đang bước vào thu hoạch bơ Booth được mong chờ nhất cả năm. Thế nhưng, thay vì không khí vui tươi, phấn khởi như những vụ mùa trước, vụ thu hoạch bơ Booth năm nay, nhà vườn nào cũng rơi vào cảnh “méo mặt” khi giá thu mua bơ tại vườn thường xuyên ở mức dưới 10.000 đồng/kg.
Năm 2015, nhận thấy cây bơ Booth cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Nguyễn Quang Long (thôn Nam Hưng, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua 200 cây giống về trồng xen canh trong vườn cà phê trên diện tích hơn 2 ha. Đến năm 2018, vườn bơ Booth đã cho gia đình anh thu hoạch hàng tấn bơ, với thu nhập lên đến hơn 200 triệu đồng.
Còn năm 2020, vườn bơ của anh tiếp tục được mùa, sản lượng ước đạt khoảng 20 tấn quả, cao hơn năm ngoái khá nhiều. Thế nhưng, gia đình anh lại kém vui vì giá bơ năm nay xuống thấp. Năm ngoái, anh bán bơ cả vườn cho thương lái với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn nếu tự cắt lựa mang bán thì được 50.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, bơ chỉ còn 10.000 đồng/kg.
Anh Long cho biết: Mọi năm, vào thời điểm trước lúc thu hoạch tầm 1 tháng thì các thương lái liên hệ gọi điện liên tục, vào tận vườn hỏi mua, bao tiêu nguyên cả vườn. Nhưng năm nay, giá bơ rớt thê thảm nên cả vườn bơ mới chỉ được thương lái thu hoạch 2 đợt, họ cũng mua theo giá thị trường hằng ngày chứ không dám ký hợp đồng thu mua với giá cố định.
Theo anh Long, năm 2019, gia đình anh thu về không dưới 600 triệu đồng từ tiền bán bơ. Nhưng năm nay, giá bơ vào vụ tại địa bàn chỉ dao động 10.000 - 12.000 đồng/kg (chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm ngoái), anh cố gắng neo trái trên cây thêm một thời gian để chờ giá lên. “Để kéo dài thời gian, tôi đã chấp nhận “neo” bơ ở trên cây. Tuy nhiên, nếu “neo” quá lâu, bơ sẽ rụng, hao hụt khi thu hoạch. Trong khi đó, người dân muốn tăng thời gian bảo quản cũng không có cách nào”, anh Long lo lắng.
Tại các nhà vườn trồng bơ sản xuất theo các chương trình liên kết, có chứng nhận VietGAP, nông dân cũng kém vui, vì giá bơ đầu mùa xuống thấp. Anh Nguyễn Tiến Đa - Tổ trưởng tổ bơ HTX Trái cây Bốn mùa cho biết: Hiện HTX cũng đang xúc tiến tìm thêm đầu ra, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên và người dân trồng bơ trong khu vực. Tuy nhiên, với năng lực tiêu thụ mỗi năm của HTX hiện khoảng 1.000 tấn bơ, dự kiến sẽ còn rất nhiều diện tích bơ của người dân cần tìm đầu ra.
Theo anh Nguyễn Tiến Đa, nguyên nhân chính dẫn đến việc giá bơ trên thị trường đang xuống rất thấp trong vòng 10 năm trở lại đây là do những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Khi bơ vào vụ lại xảy ra dịch bệnh, người dân ít đi lại, hoạt động thương mại kém sôi động nên sản lượng bơ tiêu thụ đã giảm đi gần một nửa so với năm trước. Do đó, nguồn cung đã lớn hơn cầu và dẫn đến bơ rớt giá mạnh.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do nông dân trồng quá nhiều, trong khi đó các yếu tố bảo đảm đầu ra không có, chủ yếu bỏ không cho thương lái. Chính vì thế, khi cung vượt cầu, tất yếu sẽ đẩy giá xuống.
Diện tích tăng quá nhanh
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Hà, hiện toàn huyện có 1.270 ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng mới ước đạt 320 ha/50 ha, tăng 640% so với kế hoạch đặt ra, bằng 147,81% so với cùng kỳ. Riêng cây bơ, diện tích hiện có khoảng 489 ha, tăng 100 ha so với cùng kỳ, năng suất ước 161 tạ/ha.
Đây chỉ là số diện tích bơ mới được thống kê theo phương thức trồng thuần, còn nếu tính cả diện tích bơ được nông dân trồng xen trong các vườn cà phê thì rất lớn.
Tương tự, tại một số địa phương có phong trào trồng bơ phát triển mạnh như Bảo Lâm, Di Linh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được người dân chuyển đổi sang trồng bơ đang tăng khá nhanh.
Tại huyện Di Linh, lũy kế diện tích bơ trồng xen đến hết năm 2020 đạt khoảng 4.586,22 ha; diện tích quy đông đặc (180 cây/ha) đạt 2.547,9 ha, với các giống bơ chủ yếu: 034, 036, Hass, Booth, Binkerton. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 654 ha, năng suất bình quân đạt 10,5 tấn/ha, sản lượng 8.867 tấn.
So sánh với năm 2015, diện tích trồng bơ đã tăng 80%; năm 2017 tăng 65%, năm 2018 tăng 50%. Tại huyện Di Linh, tất cả 19 xã, thị trấn đều có cây bơ phân bố, tuy nhiên tập trung trọng điểm là các xã: Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Tân Lâm, Đinh Lạc, Tân Châu.
Còn tại huyện Bảo Lâm, ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Toàn huyện hiện đã phát triển được hơn 2.000 ha bơ các loại, trong đó diện tích cho thu hoạch ước đạt 1.700 tấn. Trong những năm gần đây, cây bơ, nhất là giống bơ 034 đã được người dân trong huyện phát triển rất mạnh. Đây cũng là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện.
Theo một số chuyên gia nông nghiệp, không thể phủ nhận việc trồng xen cây bơ đang giúp người dân cộng hưởng về lợi ích giữa các sản phẩm. Nhưng, với tốc độ mở rộng diện tích như hiện nay, người trồng bơ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro sau này. Trước hết rủi ro về chất lượng cây giống, sâu bệnh, tác động của thời tiết. Tình trạng nông dân ồ ạt trồng bơ cũng có thể dẫn đến hệ lụy rớt giá, mất giá.
Do đó, nhiều nông dân cũng đã sử dụng những giống bơ trái vụ hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây bơ ra trái sớm hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, những diện tích này hiện đã phát triển rất nhiều, khiến sản lượng bơ trái vụ cũng nhiều như bơ chính vụ. Điều này dẫn đến khi vào vụ thu hoạch, nông dân thường bị thương lái ép giá vì nếu không bán, bơ sẽ rụng và hư hết.