Nơi lưu giữ dấu tích cuộc Khởi nghĩa Yên Thế

Bắc Giang là vùng đất có nhiều di tích lịch sử-văn hóa gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó nổi bật là Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế.

Chăm chú ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật tại Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế, du khách Hoàng Minh Vân (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết đến thông tin cuộc Khởi nghĩa Yên Thế qua sách, báo. Hôm nay có mặt tại nhà trưng bày, tôi thật sự xúc động khi nhìn những hình ảnh của nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Dù vậy, những người nông dân Yên Thế yêu nước vẫn kiên cường đứng dậy chống giặc bằng những gì mình có trong tay, từ gậy gộc đến súng kíp”.

 Du khách tham quan đồn Phồn Xương trong Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế.

Du khách tham quan đồn Phồn Xương trong Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế.

Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế được đưa vào sử dụng từ năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Tại đây có 80% bức ảnh về nghĩa quân là ảnh gốc, được người Pháp chụp và gửi tặng sau khi hòa bình. Ngoài ra, nhà trưng bày còn lưu giữ nhiều hiện vật quý của cuộc khởi nghĩa như: Súng kíp, đạn, gươm, mã tấu, mâm đồng, bình lọ, ấm, chén uống nước... Trước sân nhà trưng bày là tượng đài lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và câu nói nổi tiếng của ông: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng".

Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế là một trong những hạng mục tiêu biểu thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Phía trước nhà trưng bày là ngôi đền Thề-được xây dựng vào cuối thế kỷ 19-nơi đã chứng kiến toàn bộ diễn biến cuộc khởi nghĩa cách đây 136 năm. Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, gồm tiền đường 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian. Chị Dương Thị Lan, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Yên Thế cho biết: “Đền Thề được Hoàng Hoa Thám chọn làm địa điểm để quy nạp nghĩa quân, chiêu mộ nhân tài và trước mỗi trận đánh, ông thường cho nghĩa quân cắt máu ăn thề. Sau khi đánh thắng giặc trở về, ông cũng thường tổ chức khao quân tại đây. Ngày nay, ngôi đền được coi là nơi linh thiêng nhất của huyện Yên Thế, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng nói riêng và du khách trong, ngoài tỉnh nói chung”.

Đối diện với đền Thề là đồn Phồn Xương, có bức tường thành dài đắp bằng đất và hàng lỗ châu mai. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Trước đồn là một hồ nước để bảo vệ mặt tiền đồn. Phía sau đồn, nay còn di tích doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân. Gần đồn Phồn Xương có phố Bà Ba, trước kia chính là nơi ở của vợ ba Hoàng Hoa Thám-bà Đặng Thị Nho (còn gọi là bà Ba Cẩn), cũng là một tướng của nghĩa quân. Nơi đây còn ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế, con gái của Hoàng Hoa Thám.

Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị, được chính quyền và người dân địa phương trân trọng, gìn giữ, phát huy trong những năm qua. Ngoài là địa điểm sinh hoạt văn hóa, Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế còn là bằng chứng thuyết phục về tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh của những người nông dân áo vải Yên Thế đứng dậy chống giặc Pháp nhằm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/noi-luu-giu-dau-tich-cuoc-khoi-nghia-yen-the-647885