Nối mạch máu bàn tay bị đứt lìa không cần chỉ khâu

Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu) rút ngắn thời gian nối mạch máu, phục hồi tưới máu bàn tay cho nam bệnh nhân 17 tuổi ngay trong đêm.

Kíp phẫu thuật trải qua 6 giờ xuyên đêm cứu bàn tay của nam bệnh nhân 17 tuổi bị đứt lìa. (Ảnh: QUỐC DŨNG)

Kíp phẫu thuật trải qua 6 giờ xuyên đêm cứu bàn tay của nam bệnh nhân 17 tuổi bị đứt lìa. (Ảnh: QUỐC DŨNG)

Chiều 8/10, Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã phẫu thuật xuyên đêm khâu nối mạch máu không cần kim chỉ cứu sống bàn tay bị đứt lìa, giải phẫu phục hồi chức năng cho một bệnh nhân 17 tuổi.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam T. Đ. K., sinh năm 2004, được tuyến trước từ tỉnh An Giang chuyển đến với vết thương đứt lìa bàn tay phải ở vị trí cổ tay, chéo vát từ nếp gấp cổ tay đến khớp bàn ngón 5. Vết đứt sắc gọn, nhiều dị vật.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất khẩn cấp, bàn tay phải bị đứt lìa đã qua giờ thứ tư, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp huy động ê-kíp phẫu thuật trong 30 phút. Các bác sĩ chạy đua cùng với nhiệm vụ cứu lấy chức năng và giải phẫu bàn tay cho bệnh nhân 17 tuổi.

Các phẫu thuật viên của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình phối hợp với Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi hồi sức, đã tiến hành phẫu thuật, bơm rửa làm sạch vết thương, xuyên đinh cố định xương bị gãy, khâu nối động mạch quay và động mạch trụ, khâu nối 2 tĩnh mạch mu tay, khâu gân duỗi, khâu thần kinh quay - trụ - giữa, khâu gân gấp nông - sâu các ngón tay.

Các bác sĩ đã phẫu thuật xuyên đêm suốt 6 giờ để khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa bao gồm cố định xương, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

Đặc biệt, khi khâu nối mạch máu, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu), rút ngắn thời gian khâu nối mạch máu, phục hồi tưới máu bàn tay được sớm hơn. Từ đó, tập trung thời gian để khâu nối thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: QUỐC DŨNG)

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: QUỐC DŨNG)

Sau phẫu thuật, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, bàn tay được “cứu” hồng ấm, các ngón tay có thể cử động nhẹ, bệnh nhân được được theo dõi và điều trị tiếp tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ được đánh giá và tập vật lý trị liệu để phục hồi dần chức năng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/noi-mach-mau-ban-tay-bi-dut-lia-khong-can-chi-khau-668522/