Nỗi mong đợi xuyên thế kỷ

Với rất nhiều người Triều Tiên và Hàn Quốc, dường như hạnh phúc và hòa bình không phải điều gì đó xa vời mà đơn giản chỉ là một lần được giáp mặt và dành cho những người thân của mình cái ôm thật chặt trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Theo bản tin của Đài Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc, chỉ trong năm 2019 đã có hơn 3.100 thành viên các gia đình Hàn Quốc bị ly tán qua đời nhưng chưa một lần được gặp lại người thân kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bộ Thống nhất và Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc thì cho biết, tính từ năm 1988 đến nay, hơn 133.000 người đã đăng ký lên Hệ thống thông tin tổng hợp về gia đình ly tán, nhưng gần 53.000 người trong số đó lần lượt qua đời mà chưa thể hoàn thành ước nguyện đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên, dù chỉ là một vài giây ngắn ngủi.

Về kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì hai bên mới chỉ ký một thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Suốt nhiều năm qua, những gia đình có người thân ly tán ở hai bên biên giới không được đến thăm nhau, thậm chí không được trao đổi thư từ, điện thoại. Nhiều người thậm chí không biết cha mẹ, anh em, con cháu, họ hàng của mình còn sống hay đã chết.

Cụ Lee Keum-shim (trái), 92 tuổi, ở Hàn Quốc gặp con trai ở Triều Tiên tại buổi đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ngày 20-8-2018. Ảnh: TTXVN.

Cụ Lee Keum-shim (trái), 92 tuổi, ở Hàn Quốc gặp con trai ở Triều Tiên tại buổi đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ngày 20-8-2018. Ảnh: TTXVN.

Thế nên đoàn tụ các gia đình ly tán đã trở thành một trong những vấn đề nhân đạo cấp thiết đối với hai miền Triều Tiên, nhất là khi số thành viên thuộc các gia đình ly tán qua đời đang tăng nhanh. Sau hơn 7 thập kỷ chia cắt, nhiều người nay cũng đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Thống kê cho thấy, 63,4% trong tổng số những người còn sống hiện đã trên 80 tuổi.

Sau hơn 3 năm gián đoạn vì căng thẳng, tháng 8-2018, chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã được nối lại tại núi Kumgang thuộc lãnh thổ Triều Tiên. Trong đợt đoàn tụ ấy, khoảng 600 người Hàn Quốc và gần 200 người Triều Tiên có dịp gặp lại người thân của mình trong cuộc gặp kéo dài 11 tiếng đồng hồ, nhưng là sự dồn nén của mất mát và nước mắt sau gần 7 thập kỷ xa cách. Với nhiều cụ ông, cụ bà, đó có lẽ cũng là cơ hội cuối cùng để họ nhìn thấy người thân.

Thế nhưng, các cuộc đoàn tụ như vậy thường chỉ diễn ra khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ấm lên. Những người Hàn Quốc nộp đơn đăng ký tham gia chương trình đoàn tụ cũng phải nhờ vào may mắn, vì Hàn Quốc sử dụng hệ thống quay số ngẫu nhiên trên máy tính để lựa chọn. Thậm chí, một số người dù vượt qua vòng bốc thăm nhưng cuối cùng cũng không thể bước sang bên kia biên giới gặp lại gia đình mình vì quá ốm yếu.

Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang mắc kẹt giữa những vấn đề của lịch sử và hiện tại, song có lẽ, người dân hai nước đều cho rằng, đoàn tụ các gia đình ly tán là việc cần làm để có thể hướng tới hàn gắn và hòa bình. Bản thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói rằng: “Nhiều người Hàn Quốc và Triều Tiên qua đời mà không có cơ hội được biết liệu người thân của họ còn sống hay đã chết. Đây là một nỗi xấu hổ đối với chính phủ hai nước”. Ông cũng cho biết sẽ nỗ lực tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên hơn và với quy mô lớn hơn để những gia đình có người thân bị ly tán trong chiến tranh được trở về quê hương, gặp gỡ người thân.

Chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, giờ đây vẫn còn hàng chục nghìn người đang khắc khoải chờ đợi cơ hội được tham gia các cuộc đoàn tụ. Thời gian đang cạn dần với nhiều người trong số họ. Và hơn ai hết, họ thấu hiểu giá trị của hòa bình và đang rất cần có hòa bình.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/noi-mong-doi-xuyen-the-ky-606484