Nối nhịp tương lai…

Những cây cầu bắc qua sông Lô, sông Phó Đáy, sông Gâm và các con suối vùng sâu, vùng xa đã nối nhịp, nhân lên khát vọng làm giàu của người dân nơi quê hương cách mạng. Cuộc sống đổi thay từ đấy, no ấm tìm về…

Khát vọng vượt lũ

Cây cầu mới xây nối hai xã Phúc Ứng, Hợp Hòa (Sơn Dương) khiến lòng người xốn xang đến lạ. Cây cầu là niềm mong mỏi của người dân vùng đất này đã bao thế hệ. Ông Nguyễn Văn Long, trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Phúc Ứng bảo, cây cầu hoàn thành kết nối kinh tế các xã trong khu vực, cuộc sống sẽ đổi thay, ông Long tin như vậy. Nhưng rồi, giọng ông chùng xuống nhớ lại những ký ức buồn khi người con của mình ra đi mãi mãi vì chòng chành cầu tạm, nước lũ dâng cao. Vậy nên, ông mong ngóng có cây cầu từng ngày để không gia đình nào phải gánh chịu nỗi đau như gia đình ông nữa. Và giờ đây, cây cầu đã xây xong xua đi những nỗi lo mùa lũ, xây đắp ước mơ xanh. Thôn có 85 hộ, chủ yếu là người Tày, Nùng, ngoài canh tác lúa 2 vụ, người dân trong thôn trồng 16 ha chè. Các sản phẩm nông nghiệp của thôn đến với người tiêu dùng trong xã, trong huyện thuận lợi hơn.

Cầu dân sinh thôn Cây Thọ, xã Đức Ninh (Hàm Yên) hoàn thành đưa vào sử dụng phụcvụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng chia sẻ, toàn xã hiện có 3 cây cầu dân sinh đã được đầu tư xây dựng. Ngay khi có chủ trương đầu tư, xã đã vận động người dân hiến đất để làm cầu, ai nấy đều hưởng ứng, tiêu biểu là gia đình các ông: Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Vĩnh Phúc hiến trên 60 m2; Hoàng Văn Vực, thôn Phúc Vượng, hiến hơn 100 m2. Những cây cầu dân sinh đưa vào sử dụng không chỉ đẩy mạnh giao thương hàng hóa mà còn tạo thuận lợi cho người lao động của các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Kháng Nhật, Hợp Hòa đi làm việc tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng mới được UBND tỉnh phê duyệt trên diện tích 75 ha.

Xã Yên Thuận (Hàm Yên) năm 2018 có 2 cây cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng tại thôn Hao Bó. Ông Đặng Văn Tài, Trưởng thôn cho biết, để vào được tận khu trong của thôn phải qua hai con suối. Mùa nước về, cuộc sống của người dân như bị đảo lộn, khổ nhất là bọn trẻ ở khu trong không đi học được vì điểm trường đặt ở khu ngoài bị lũ suối ngăn cách, có đợt bọn trẻ phải nghỉ học mấy ngày liền. Nhưng giờ khác rồi, bọn trẻ đến lớp thuận lợi lắm, đứa lớn tự đi xe, đứa bé bố mẹ đưa đi bon bon trên xe máy đến lớp. Rồi là chuyện bán cam, bán chè, vịn vào chuyện con suối cách trở thương lái hạ giá mua, dân thiệt lắm. Ấy thế mà bà con còn phải thồ cam, chè ra tận khu ngoài người ta mới nghe, lắm lúc bực mình nhưng đành chịu. Thôn có trên 116 hộ với 99% là người Dao, hơn 300 ha cam, trên 100 ha chè. Từ ngày có cầu mới bắc qua suối sâu, xe ô tô vào tới tận chân đồi, thương lái không còn lý do gì mà ép giá nông sản nữa.

Cầu Bình Ca được hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cầu Bình Ca được hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thêm những cây cầu mới

Trên cơ sở danh mục cầu đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 711/QĐ-BGTVT, ngày 25-4-2019 về việc điều chỉnh danh mục cầu Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2014 - 2020 và danh mục Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), tỉnh được đầu tư xây dựng 72 cầu với 8 dự án thành phần. Trong đó, 33 công trình cầu đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, 13 cầu hoàn thiện trong quý I-2020, 26 cầu còn lại phấn đấu hoàn thiện bước lập dự án trong 2019 để thi công trong 2020. Những cây cầu thực sự ý nghĩa với người dân vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về giao thông. Trong quá trình khảo sát thực tế tại địa phương, sở đã tiếp tục lập danh sách thêm 68 cầu đề nghị bổ sung vào Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 để Bộ Giao thông - Vận tải xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

Cùng với nhiều cây cầu dân sinh được hoàn thành và đưa vào sử dụng, các cây cầu lớn bắc qua sông Lô mới khánh thành và đang thi công mở “nút thắt” thúc đẩy kinh tế - xã hội, liên kết vùng miền. Cầu lớn Bình Ca thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh địa phận Tuyên Quang được khánh thành đi vào sử dụng tháng 2-2019. Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến 12,92 km, tổng mức đầu tư 812,687 tỷ đồng, được thi công trong hơn 2 năm. Đi trên cây cầu uy nghi, ông Vũ Xuân Thủy, xã Thái Bình (Yên Sơn) phấn khởi bảo rằng, quê hương như được khoác áo mới đón xuân, nối bao niềm vui, khát vọng của người dân các xã Thái Bình, Thái Long, An Khang. Bởi, đây là tuyến đường huyết mạch thu hút khách du lịch đến với các khu di tích quốc gia đặc biệt như Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa), kết nối thành phố Tuyên Quang với trung tâm kinh tế lớn trong khu vực. Đường lớn đã mở, hàng hóa của người dân các xã đổ về khắp nẻo, đời sống sẽ đổi thay.

Sau cầu Bình Ca, công trình cầu Tình Húc bắt đầu nối nhịp, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30 - 4 - 2020. Đây là công trình cầu hiện đại nhất tỉnh với thiết kế 8 nhịp chính sử dụng dầm cáp hỗn hợp EXTRADOSED, 5 trụ tháp cao 29 m hình bó đuốc có cáp dây văng, toàn bộ cầu được bố trí hệ thống chiếu sáng mỹ thuật bằng đèn Led có lập trình điều khiển tự động thay đổi màu. Từ cầu chính thiết kế một nhánh cầu xuống soi Tình Húc và một nhánh từ soi Tình Húc lên nhánh chính phục vụ du khách tham quan khu du lịch sinh thái được xây dựng tại soi Tình Húc trong tương lai.

Những cây cầu vững chãi mới hoàn thành đang chắp cánh cho những ước mơ, vươn tới cuộc sống no ấm. Tuyên Quang sẽ đổi thay từng ngày từ nhịp cầu nối những bờ vui…

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/noi-nhip-tuong-lai%E2%80%A6-126983.html