Nối nhịp yêu thương

Bình Phước hiện có hơn 12.000 người khuyết tật và hơn 2.000 trẻ mồ côi, phần lớn sống ở vùng nông thôn, thuộc diện hộ nghèo hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc, trong những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh (gọi tắt là Hội Bảo trợ tỉnh) đã có nhiều việc làm ý nghĩa, đong đầy yêu thương, trở thành điểm tựa cho những cảnh đời yếu thế.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bị liệt 2 chân bẩm sinh nên cuộc sống của chị Ngô Thị Bích Huyền ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài gặp rất nhiều khó khăn. Khi đang chông chênh, chị may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Bảo trợ tỉnh. Để chị có cuộc sống tốt hơn, hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao tặng xe lăn, giới thiệu học nghề miễn phí và hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân cùng sự đồng hành xuyên suốt của chị Huyền đã có việc làm, tích góp mua được mảnh đất nhỏ, làm nhà và dần ổn định cuộc sống. “Có được công việc là một điều hết sức may mắn với tôi. Sự quan tâm của Hội Bảo trợ tỉnh đã giúp tôi cũng như những người khuyết tật thêm yêu đời, lạc quan và nỗ lực vượt lên chính mình để chứng minh với mọi người, với xã hội rằng những người khuyết tật tuy tàn nhưng không phế” - chị Huyền bày tỏ.

Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh kết nối, trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh

Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh kết nối, trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước

Không chỉ riêng chị Huyền, thông qua chương trình “Hỗ trợ người khuyết tật”, những năm qua, Hội Bảo trợ tỉnh đã tạo điều kiện khám, chữa bệnh, trao tặng xe lăn, xe lắc, xe ba bánh, hỗ trợ dạy nghề, phương tiện sinh kế, vốn phát triển kinh tế… cho hàng trăm người khuyết tật, giúp họ tự tin, hòa nhập cộng đồng. Chỉ riêng năm 2023 đã có 10 trường hợp người khuyết tật được giới thiệu học nghề; 140 chiếc xe lăn, xe lắc trao tặng người khuyết tật.

Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh kết nối các đơn vị tài trợ trao quà xuân Giáp Thìn cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn

Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh kết nối các đơn vị tài trợ trao quà xuân Giáp Thìn cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, hội còn có nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho hàng ngàn mảnh đời bất hạnh trong tỉnh. Năm 2023, hội đã vận động tổ chức được nhiều hoạt động như: phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 390 người nghèo; phẫu thuật 9 ca bệnh tim; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ gần 1.000 bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện. Đồng thời, vận động xây dựng được 22 căn nhà tình thương, trợ cấp thường xuyên tiền mặt, gạo và một số thực phẩm khác cho gần 20.000 hộ khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh.

Hội thường xuyên thăm hỏi, trao tặng xe lăn và hỗ trợ phương tiện sinh kế cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

Hội thường xuyên thăm hỏi, trao tặng xe lăn và hỗ trợ phương tiện sinh kế cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hội luôn cùng chính quyền các cấp nỗ lực chăm lo đời sống người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Thông qua chương trình truyền hình nhân đạo “Chia sẻ nỗi đau”, “Khát vọng sống” và chương trình kêu gọi “Kết nối ngoại tuyến”, hội đã vận động trợ giúp 90 gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ chữa bệnh, giúp vốn mưu sinh, tạo điều kiện cho trẻ đến trường…với tổng gần 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Bảo trợ tỉnh chia sẻ: Trong năm 2023, tổng kinh phí vận động cho các hoạt động nhân đạo của hội lên đến 37 tỷ đồng. Hội vinh dự được Trung ương Hội công nhận là đơn vị xếp thứ 5 cả nước làm tốt công tác chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Với một tổ chức xã hội nhân đạo - từ thiện, hoạt động trên cơ sở sử dụng nguồn kinh phí từ vận động quyên góp là chủ yếu thì đây là con số đầy ấn tượng, cho thấy sự nỗ lực và cả sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm dành cho hội.

Nối dài hành trình yêu thương

Để hoạt động thiện nguyện ngày càng phát triển rộng khắp, kịp thời trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh, việc củng cố, phát triển tổ chức hội, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên luôn được Hội Bảo trợ tỉnh chú trọng. Hội hiện có 3.600 thành viên, toàn tỉnh vẫn duy trì 10/11 huyện, thị, thành hội là hội thành viên của Hội Bảo trợ tỉnh. Hội cũng đã thành lập 4 tổ chức gồm Chi hội Tán trợ, Chi hội Hoạt động xã hội người Bình Phước, Câu lạc bộ Hạt gạo ấm lòng, Câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái và kết nối hơn 30 câu lạc bộ, đội, nhóm trở thành thành viên liên kết, mở rộng đến các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

Thông qua các chương trình truyền hình nhân đạo, Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh trở thành cầu nối các đơn vị, câu lạc bộ, đội, nhóm mang yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh

Trước tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Hội Bảo trợ tỉnh cũng như các hội thành viên thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với nhà tài trợ, báo cáo kịp thời, đầy đủ kết quả hoạt động. Sự chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác thiện nguyện đã tạo niềm tin, thiện cảm và mong muốn chung tay, đồng hành của các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh (bìa phải) vinh dự nhận cờ thi đua của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh (bìa phải) vinh dự nhận cờ thi đua của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

Chị Trần Thị Thanh Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái chia sẻ: Được hoạt động thiện nguyện thông qua Hội Bảo trợ tỉnh - một tổ chức chuyên nghiệp về hoạt động thiện nguyện, các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện Bình Phước học hỏi được rất nhiều. Từ đó, phong trào thiện nguyện ngày càng phát triển rộng khắp, tạo được sự lan tỏa và lòng tin đối với các nhà hảo tâm, qua đó có thêm thật nhiều hoàn cảnh được trợ giúp.

Bước sang năm 2024 với bộn bề công việc, Hội Bảo trợ tỉnh vẫn nỗ lực kết nối các đơn vị, nhà hảo tâm, câu lạc bộ, đội, nhóm tổ chức thành công chương trình “Chia sẻ nỗi đau” số tháng 1-2024 với số tiền vận động hỗ trợ nhân vật hơn 170 triệu đồng, chương trình “Khát vọng sống” vận động được 174 triệu đồng, tổ chức trợ giúp 5 nhân vật cần giúp đỡ khẩn cấp với hơn 700 triệu đồng. Đặc biệt, để người dân hoàn cảnh khó khăn đón tết, vui xuân đầm ấm, hội đã tích cực vận động và trao tặng hơn 1.500 phần quà với tổng hơn 6 tỷ đồng.

Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh ra đời trên cơ sở hợp nhất Hội Từ thiện bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo từ năm 2008. Sau 16 năm hoạt động vô cùng hiệu quả, tin tưởng rằng hội sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy thành tích đã đạt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. Qua đó góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội của địa phương và sự phát triển của tỉnh.

Ông ĐỖ ĐẠI ĐỒNG, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh

Thiên Thư

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/153802/noi-nhip-yeu-thuong