Nỗi niềm ở xã vùng đặc biệt khó khăn
Cách trung tâm huyện Tân Lạc hơn 30 km, xã Ngổ Luông thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn. Theo rà soát, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 50%. Địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, dân cư sinh sống không tập trung. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư chưa nhiều. Đó là
Cách trung tâm huyện Tân Lạc hơn 30 km, xã Ngổ Luông thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn. Theo rà soát, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 50%. Địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, dân cư sinh sống không tập trung. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư chưa nhiều. Đó là "rào cản” phát triển KT – XH của xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn…
Dọc con đường đến xóm Bo Trẳm, đường điện và ống dẫn nước kéo chằng chịt được chống đỡ tạm bợ bằng những cây tre. Khu vực công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2008 đã bỏ hoang, hiện tạm dừng hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, Bo Trẳm ở vùng đồi núi cao, trong khi đó nguồn nước ở vùng thấp, cách nơi các hộ dân sinh sống khoảng 400m. Để có nước sinh hoạt, các hộ phải sử dụng máy bơm dẫn nước về nhà sử dụng. Tuy nhiên, đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn thì phải xách từng xô nước về phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Ông Bùi Văn Thuấn, Trưởng xóm Bo Trẳm chia sẻ: "Sau thời gian sử dụng, công trình nước sạch đã hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả. Từ đó dẫn đến thực trạng các hộ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Không phải hộ nào cũng có điều kiện bỏ ra 4 - 5 triệu đồng mua máy bơm và đường ống dẫn nước về nhà sử dụng. Nguồn nước được kéo về cũng không ổn định, bởi thường xuyên xảy ra tình trạng đường ống bị nứt, gãy do trâu, bò dẫm. Người dân trong xóm rất lo lắng trước cảnh khan hiếm mạch nước ngầm khi mùa khô sắp tới”.
Xã Ngổ Luông đã được đầu tư xây dựng 7 công trình nước sạch từ nguồn vốn các chương trình, dự án lồng ghép. Tuy nhiên phần lớn công trình xây dựng từ đầu những năm 2000 đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Theo rà soát, hiện nay có duy nhất công trình nước sạch tại xóm Luông Dưới hoạt động hiệu quả, giải quyết nguồn nước ổn định cho khoảng 60 hộ dân. Đối với gần 300 hộ còn lại đều sử dụng máy bơm, đường ống dẫn nước từ khe núi về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Hàng năm, tình trạng khan hiếm mạch nước ngầm thường xuyên xảy ra từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng khô hạn kéo dài nên dự báo nguồn nước để phục vụ sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc thiếu các công trình nước sạch phục vụ đời sống dân sinh, các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn như: điện, đường, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu và xuống cấp. Cụ thể, đường điện đi một số chòm dân cư các xóm, tỷ lệ đường giao thông liên thôn, xóm hiện mới cứng hóa đạt 30%; toàn bộ trục đường giao thông nội đồng, khu sản xuất chưa được đầu tư, chủ yếu là đường đất. Thực tế đó dẫn đến tình trạng vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp khó khăn, kinh phí cao gấp 2 - 3 lần so với các xã vùng thấp. Cùng với đó, trạm y tế xã, nhà văn hóa xóm đều xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bà con.
Đối với phát triển kinh tế, người dân xã Ngổ Luông gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn các mô hình mũi nhọn. Theo rà soát, toàn xã hiện có trên 300 ha đất sản xuất, chiếm khoảng 10% tổng diện tích tự nhiên. Phần lớn các hộ sản xuất thuần nông với trồng lúa, ngô, rau su su, chăn nuôi tổng hợp… Quá trình sản xuất chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hàng hóa, nông sản được bà con làm ra chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn, giá thành thấp hơn hoặc không ổn định so với các xã có điều kiện thuận lợi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ngổ Luông chia sẻ: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn Nhà nước quan tâm, có cơ chế đặc thù đối với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huy động các nguồn lực từ chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng thiết yếu. Chính quyền xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở. Từ đó phấn đấu vươn lên giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/183956/noi-niem-o-xa-vung-dac-biet-kho-khan.htm