Nỗi oan khuất của 'nữ hoàng lục bình' và những người đồng cảnh ngộ
Chỉ vì sự tắc trách của những người thực thi công vụ mà nhiều số phận bị đẩy vào đường cùng, từ người lương thiện thành kẻ tội đồ, mang án oan đằng đẵng.
Một trong những vụ án oan nổi tiếng trong lịch sử tố tụng Việt Nam đó là vụ án Huỳnh Văn Nén. Qua các cấp xét xử, ông Nén bị tuyên án chung thân về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Ông Nén cũng là người bị truy tố oan trong hai vụ án.
Theo nội dung vụ việc, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông (ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị kẻ trộm đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K.
Khi CQĐT vào cuộc, manh mối về hung thủ gần như không có. Lúc này, ông Huỳnh Văn Nén là một người hay rượu chè ở địa phương, trong lúc say xỉn đã tự nhận mình là hung thủ giết bà Bông. Gần một tháng sau, ông Nén bị khởi tố, bắt giam.
Suốt quá trình bị bắt và kết án, ông Nén và gia đình liên tục kêu oan. Đến năm 2000, anh Nguyễn Phúc Thành (ngụ ở xã Tân Minh) đã làm đơn tố cáo khẩn cấp gửi Bộ Công an, VKSND tối cao tố cáo hung thủ giết bà Lê Thị Bông không phải là Huỳnh Văn Nén mà là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt (ở xã Tân Minh).
Bởi theo anh Thành, 2 người này thú nhận việc giết bà Bông và nhờ anh gọi xe ôm đi trốn.
Ngày 24/10/2014, Viện trưởng VKSND Tối cao ký kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén. Bản kháng nghị chỉ ra một loạt sai sót của cơ quan tố tụng. Sau 16 năm vụ án được lật lại, ông Nén được minh oan.
Đại gia đình 3 thế hệ và nỗi oan thấu trời
Một vụ án khác liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén. Đó là năm 1993, bà Dương Thị Mỹ được người dân phát hiện bị giết chết tại khu vườn điều (ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Sau một thời gian không tìm ra thủ phạm, công an tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án.
5 năm sau, tháng 5/1998, khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị quy kết là hung thủ sát hại bà Lê Thị Bông đã khai nhận cùng với những người trong gia đình vợ sát hại bà Mỹ vì ghen tuông. Sau này, ông Nén khai đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng dùng nhục hình, bắt nhận tội trong vụ án bà Mỹ.
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 1993, Trần Văn Sáng (SN 1959, trú tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) có quan hệ tình ái với bà Mỹ. Mối quan hệ này bị vợ Sáng là Nguyễn Thị Nhung phát hiện nhưng cả hai vẫn tiếp tục quan hệ.
Ngày 18/5/1993, khi biết chồng và bà Mỹ hẹn hò tại vườn điều, ông Hai Hoàng, Nhung cùng với mẹ và các anh em trong nhà tới điểm hẹn của cặp tình nhân, dùng dao chém người, mặt, dùng cây đập vào bà Mỹ. Khi nạn nhân gục xuống, nhóm người đánh ghen còn lột sạch tài sản gồm nhẫn vàng, bông tai, đồng hồ…
Trải qua nhiều phiên tòa, tới phiên phúc thẩm lần 2, TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm, đề nghị Bộ Công an vào cuộc.
Tháng 12/2005, cơ quan công tố ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và hủy quyết định tạm giam các bị can vì không tìm được chứng cứ buộc tội.
Tháng 1/2012, đại diện lãnh đạo CA, VKSND và TAND tỉnh Bình Thuận tiến hành xin lỗi công khai đối với toàn bộ thành viên gia đình chị Nhung, trừ ông Nén đang thụ án trong vụ sát hại bà Bông.
Năm 2014, trong buổi xin lỗi công khai, bà Trần Thị Thiên Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận nói: “Chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi rất mong ông Huỳnh Văn Nén và người thân của ông hãy tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của những người đã tiến hành tố tụng trong cả hai vụ án nói trên trong quá khứ”.
Từ “nữ hoàng” trở thành tội đồ
Được mệnh danh là “Nữ hoàng lục bình” khi có cơ sở thủ công mỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động, bà Huỳnh Ngọc Bích (ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)- giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích, đột nhiên bị rơi vào vòng lao lý.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng năm 2006-2007, Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân với tổng kinh phí trên 1,4 tỉ đồng. Đến cuối năm 2007, hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỉ đồng.
Sau đó, một loạt cán bộ của Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng bị bắt giữ vì “xà xẻo” số tiền này. Bà Bích bất ngờ bị cáo buộc tham ô 17,6 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 3, TAND tỉnh Sóc Trăng trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Sau khi tiến hành điều tra, xét thấy hành vi của bà Bích không cấu thành tội phạm nên tháng 7/2018, CSĐT Công an tỉnh quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Bích.
Ngày 28/5/2019, bà Bích được VKSND tỉnh Sóc Trăng xin lỗi công khai, kết thúc 9 năm dòng dã chịu oan ức.
Gần đây nhất, ngày 5/6, TAND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng (ngụ xã Búk So).
Vợ chồng ông Võ bị TAND huyện Tuy Đức tuyên phạt mỗi người 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Sau đó, cả hai kháng cáo kêu oan.
Sau khi điều tra lại, ngày 21/9/2019, cơ quan CSĐT Công an huyện đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Võ và bà Thưởng.
Theo nội dung vụ việc, năm 2008, vợ chồng ông Võ nhượng quyền sử dụng đất cho bà Đoàn Thị Huệ và Vũ Thị Hằng (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức).
Đến năm 2016, hai bà này yêu cầu vợ chồng ông đến UBND xã để làm thủ tục sang tên diện tích đất trên cho ông Nguyễn Văn Cương. Vợ chồng ông Võ không đồng ý vì không biết ông Cương là ai. Sau đó, bà Huệ và Hằng làm đơn khởi kiện dân sự đối với vợ chồng ông Võ.
Trong quá trình giải quyết vụ việc,TAND huyện Tuy Đức nhận thấy có dấu hiệu hình sự nên đình chỉ vụ án dân sự, đề nghị khởi tố vụ án hình sự.
Tại buổi xin lỗi, ông Võ cho biết rất bức xúc về việc cơ quan tố tụng đã làm oan ông và vợ. Những thiệt hại đối với ông và gia đình ông là rất lớn, kinh tế gia đình suy sụp, vợ ông cũng bị khủng hoảng khi xảy ra sự việc.