Nới room tín dụng: Chỉ giải tỏa được một phần sức ép

Việc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng đã giải tỏa bớt sức ép cho cả doanh nghiệp và người dân trong việc khơi thông dòng vốn, phục vụ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giải quyết phần nào khó khăn, trong đó, gói hỗ trợ 2% lãi suất có thể cũng chưa hẳn đã được đẩy nhanh nhờ nới room, do còn nhiều yếu tố khác nhau chi phối.

Tăng room, giải tỏa “cơn khát”

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các ngân hàng). Cụ thể, các ngân hàng được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí, từng tiêu chí xếp hạng bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở số liệu hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của các ngân hàng. Trọng số của nhóm chỉ tiêu, trọng số của từng chỉ tiêu theo từng nhóm đồng hạng được xác định trên cơ sở tầm quan trọng của từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu đối với mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng và yêu cầu của công tác thanh tra, giám sát.

Việc nới room điều tiết cho mặt bằng lãi suất giữ được nhịp hài hòa hơn. Ảnh: TL

Việc nới room điều tiết cho mặt bằng lãi suất giữ được nhịp hài hòa hơn. Ảnh: TL

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room phần nào giải tỏa được "cơn khát" về vốn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian qua do khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi lẽ trước khi Ngân hàng Nhà nước nới room, cũng đã có rất nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt do thiếu vốn. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sức ép tài chính đối với các doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Do đó, việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp là rất quan trọng.

Room không thể giải quyết được mọi việc

Hồi đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022, trong đó đặt mục tiêu tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết, diễn biến thực tế đến cuối tháng 8/2022 cho thấy, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.

Những nguyên tắc cơ bản để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp room tín dụng cho các ngân hàng

Căn cứ vào kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Theo đó, việc nới room lần này cũng rất phù hợp với mong mỏi của cả phía các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu cho vay ra lẫn phía các doanh nghiệp cần vay vốn. Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc nới room ngoài tác động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thì cũng có ý nghĩa hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều tiết cho mặt bằng lãi suất giữ được nhịp hài hòa hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ room mà các ngân hàng được nới không cao lắm, chỉ khoảng từ 1 - 4% nên tác động của việc nới room cũng chỉ ở mức vừa phải. Ngay cả gói hỗ trợ 2% lãi suất cũng không hẳn sẽ được đẩy nhanh hơn từ tác động của việc nới room. Ông Huân cho biết, thực chất room cũng không phải là lý do chính của sự chậm trễ triển khai gói 2% lãi suất, mà nguyên nhân chậm là do chính các ngân hàng vẫn có tâm lý “ngại” triển khai do lợi ích từ việc này không lớn, trong khi chi phí vận hành và trách nhiệm đeo nặng trên vai.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn luôn “cảnh giác” trong khâu giám sát việc thực hiện cho vay của các ngân hàng. Bởi theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách, tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn trong điều hành như áp lực lạm phát tăng, cũng như vòng xoáy tăng lãi suất, tăng nợ xấu... Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn cảnh báo việc các ngân hàng thương mại rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ… Trường hợp các ngân hàng cố tình tham gia các lĩnh vực rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước thậm chí sẽ còn giảm room của các ngân hàng này.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/noi-room-tin-dung-chi-giai-toa-duoc-mot-phan-suc-ep-112487.html