Nỗi sợ hãi đến từ tương lai

Có những nỗi sợ hãi đến từ quá khứ và ám ảnh chúng ta, có những nỗi sợ hãi đến từ thời hiện tại, cái thời mà chúng ta đang sống và cảm nhận. Nhưng có những nỗi sợ hãi đến từ tương lai. Mà thực ra nỗi sợ hãi đến từ tương lai chính là nỗi sợ hãi bắt đầu từ hiện tại.

Vừa rồi nhân ngồi cà phê với mấy người bạn nhưng không phải là bạn bè văn chương, một người bạn hỏi tôi: "Năm 2023 điều gì ám ảnh ông nhất?". Tôi không cần suy nghĩ và trả lời ngay: "Đó là vụ những học sinh đóng cửa lớp tấn công cô giáo". Đấy là nỗi sợ hãi nhất đối với tôi. Hơn 60 năm sống trên cõi đời này, tôi biết nhiều chuyện học sinh hư. Nhưng khi một tập thể học sinh tấn công cô giáo thì câu chuyện đã phá đi mọi ranh giới của đạo đức. Thực tế, có những đứa trẻ không nghe lời cha mẹ hoặc có những lời lẽ láo xược với cha mẹ nhưng không bao giờ có thái độ tương tự với thầy cô cho dù bất cứ lý do nào.

Viết đến đây, tôi nhớ diễn từ nhận giải Nobel của nữ nhà văn Toni Morrison năm 1993. Trong diễn từ của mình, nhà văn Toni Morrison đã kể về một nhà tiên tri mù. Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim bọn ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ hay đúng hơn là nhìn thấy tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng.

Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống, thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng để chứng minh bà sai. Nhưng bản chất của hành động bóp chết con chim trong tay không phải để chứng minh sự đúng sai mà từ sự vô cảm và độc ác. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.

Những đứa trẻ trong câu chuyện của nhà văn Toni Morrison chính là những học sinh ở một trường học mà báo chí và dư luận xã hội nói đến mới đây. Ai có lỗi trong chuyện này? Dư luận đổ lỗi cho nhà trường, nghĩa là đổ lỗi cho ngành giáo dục. Đúng. Vì dù thế nào, giáo dục hay cụ thể nhà trường phải có trách nhiệm trước những hành vi của học sinh. Nhưng chỉ đúng một phần. Nhà trường chỉ là một trong ba nguyên nhân: nhà trường, gia đình và xã hội đã biến những đứa trẻ thành những kẻ vô cảm và độc ác như vậy.

Những năm gần đây, dư luận thường "tấn công" nhà trường, ít thấy ai nói đến gia đình. Trong khi ở nhiều nước phương Tây lại đặt gia đình là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ.

*

Cách đây gần 30 năm, tôi đã cùng một nhóm sinh viên tiến hành một khảo sát xem ngôn ngữ được dùng nhiều nhất trong gia đình là ngôn ngữ gì? Và kết quả khảo sát đối với khoảng 100 gia đình ở các thành phần khác nhau trong xã hội cho thấy: hơn 85% ngôn ngữ được dùng trong những gia đình này là ngôn ngữ thực dụng. Đó là ngôn ngữ của các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ... Ngôn ngữ thực dụng mà tôi đề cập đến là những lời nói liên quan đến các lợi ích mang tính cá nhân như sở hữu tài sản, sự hơn thiệt trong hưởng thụ vật chất, tranh giành danh lợi, tham muốn và mưu mô quyền chức...

Một đứa trẻ lớn lên trong suốt tuổi thơ mình trong một thế giới tràn ngập ngôn ngữ thực dụng như thế sẽ trở thành một người như thế nào?. Từ khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, đời sống vật chất được cải thiện thì một hiện tượng rất rõ và càng ngày càng lan rộng là việc các bậc cha mẹ, đặc biệt các cha mẹ trẻ trong những gia đình Việt Nam nhất là ở đô thị săn lùng các loại thực phẩm để con mình phát triển thể lực như mong muốn. Họ có một thực đơn "hoàn hảo" để nuôi lớn thân xác con mình và tăng trí thông minh theo từng độ tuổi. Nhưng không mấy gia đình có một thực đơn để nuôi lớn tâm hồn chúng như đọc gì, xem gì, nghe gì và tiếp xúc gì.

Trẻ không chỉ cần được nuôi dưỡng thân xác mà cả tâm hồn, cảm xúc. Ảnh: Hoàng Ngọc Hải

Trẻ không chỉ cần được nuôi dưỡng thân xác mà cả tâm hồn, cảm xúc. Ảnh: Hoàng Ngọc Hải

Thực tế, quá nhiều người trong chúng ta chỉ có trách nhiệm với cái thân xác của con cái chúng ta mà thôi. Chúng ta tìm mọi thực đơn cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và phần ăn phụ trước khi đi ngủ của con cái mình khi thấy chúng có vẻ suy dinh dưỡng. Nhưng có quá nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng trong đời sống tinh thần của chúng thì chúng ta lại không hề hay biết và không hề quan tâm.

Chúng ta luôn luôn quá tự tin rằng con cái luôn luôn bên cạnh chúng ta và nghe lời sai khiến của chúng ta. Nhưng tôi mang cảm giác đó chỉ là những cái bóng của con cái chúng ta. Còn chúng thật sự đã bỏ chúng ta lâu rồi và đang sống trong một thế giới khác bởi chúng không tìm thấy cảm xúc và mối liên hệ tinh thần nào đó với cha mẹ chúng.

Đừng tưởng sáng dậy chúng ta dọn bữa sáng theo tiêu chuẩn châu Âu hay châu Mỹ cho con cái hoặc nhét tiền vào túi cho chúng tự ăn sáng trên đường tới trường, đừng tưởng mỗi đứa trẻ được gắn một chiếc điện thoại di động, đừng tưởng đúng giờ chúng ta đã có mặt ở cổng trường để đón chúng, đừng tưởng chúng khép nép chào cha mẹ và chui tọt vào phòng riêng… là chúng ta có thể yên tâm rằng chúng đang sống trong sự quản lý và chăm sóc của chúng ta. Đó là một nhầm lẫn vô cùng tai hại.

Buổi sáng chúng ta vội vàng đi làm, vội vàng kiếm tiền, vội vàng mua sắm phương tiện, vội vàng mua đất, vội vàng chơi chứng khoán và chỉ bận rộn với những mối quan tâm "người lớn"… Chúng ta hãy tự hỏi: Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho con cái? Quá ít. Bạn có biết có bao nhiêu nội dung mà cha mẹ nói với con cái trong một ngày không? Quá ít và quá vô cảm.

Có bao nhiêu đứa trẻ bây giờ được cha mẹ ngồi xuống bên cạnh vào buổi tối và nói: “Mẹ thấy mấy hôm nay con buồn và hoang mang, có chuyện gì vậy con. Hãy nói cho mẹ nghe, mẹ là một người bạn của con mà”. Hình như không còn những câu nói đó nữa. Thử hỏi có ai mỗi buổi tối kể cho con cháu mình một câu chuyện về tình yêu thương và sự tử tế không? Chính vì vậy mà chúng ta từng ngày đã đẩy con cái chúng ta vào một thế giới khác. Trong thế giới xa cách và hoang mang ấy, chúng phải tự đi và tự giải quyết những bế tắc, những sợ hãi của chúng. Và không ít con cái chúng ta đã lạc đường trong thế giới ấy mà chúng ta không có khả năng tìm lại được chúng.

*

Khi những đứa trẻ ra khỏi cửa nhà và cổng trường là chúng chìm vào xã hội. Nhưng tôi phải nói rằng: cái xã hội mà những đứa trẻ chìm vào mỗi ngày là một xã hội nhiều thói hư tật xấu và nhiều bất trắc. Bao vây quanh chúng là những lời nói và hình ảnh thiếu văn hóa và ít nhân tính: vứt rác nơi công cộng, chửi bậy, vượt đèn đỏ, va chạm xe thì đánh chửi nhau, bày bán chim chóc, muông thú, chặt phá cây cối, thấy người gặp tai nạn thì bỏ đi.

Đấy là chưa nói đến những người có vị trí trong xã hội, mỗi lời nói, mỗi hành động của họ mang tính giáo dục rất cao và có tính ảnh hưởng quan trọng tới tâm thế xã hội, nhưng họ lại mang lòng tham quá lớn mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng càng chứng minh điều đó.

Tôi nhớ một lần ở Singapore, hút xong điếu thuốc, tôi đã đi tìm thùng rác để bỏ đầu thuốc và tại một ngã tư vô cùng vắng vẻ ở Singapore, tôi không dám vượt đèn đỏ vì thấy những người già và những người trẻ đứng chờ một cách thanh thản cho đến khi đèn xanh. Tôi không dám vứt mẩu thuốc dù có nhiều chỗ có thể vứt mà không ai nhìn thấy. Tôi không vượt đèn đỏ vì thấy mọi người không vượt. Nhưng ở Việt Nam tôi sẵn sàng vứt mẩu thuốc xuống nơi công cộng và sẵn sàng vượt đèn đỏ vì mọi người đều làm thế và tôi không cảm thấy xấu hổ khi thực hiện những hành vi kém văn hóa của mình.

Điều đó cho thấy, khi tôi sống giữa một cộng đồng có ý thức, có trách nhiệm và tử tế thì tôi sẽ bị lộ ra và cảm thấy xấu hổ vì những lời nói và hành động của mình thiếu văn hóa. Tôi sẽ phải tự điều chỉnh ý thức và hành vi của mình. Tiếp nhận một ý thức, một hành động xấu nhanh vô cùng và thực hiện một hành động tốt mất rất nhiều thời gian. Một người ném bọc rác xuống nơi công cộng mất 10 giây, nhưng để đi qua tự giác cúi xuống nhặt bọc rác đó bỏ vào thùng rác mất cả trăm năm.

Xin những người có lương tâm, công bằng và tư duy, ngoài nhà trường thì hãy nhìn sâu vào những ngôi nhà, nhìn rộng khắp xã hội và tự xem trong những ngôi nhà chúng ta đang sống một đời sống như thế nào và trong toàn xã hội chúng ta đang sống một đời sống như thế nào thì chúng ta sẽ hiểu được ngay những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Những đứa trẻ đang bạo hành bạn bè và tấn công cô giáo sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Và một đất nước với những chủ nhân như thế là một đất nước ngập tràn nỗi sợ hãi bởi sự vô cảm và bạo lực. Nỗi sợ hãi tương lai ấy sẽ mỗi ngày một lớn nếu chúng ta không bắt đầu từ hiện tại bằng những hành động của ý thức, trách nhiệm và những điều trong sâu thẳm lương tri mình.

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/noi-so-hai-den-tu-tuong-lai-42572.html