Nói thẳng- làm thật: 'Đêm trước' đổi mới

Mười năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975-1985) là giai đoạn đặc biệt của đất nước, với bao khó khăn chồng chất. Để đi đến quyết định lịch sử tại Đại hội VI của Đảng-đổi mới toàn diện đất nước, nhiều lãnh đạo, cán bộ các cấp đã dũng cảm 'xé rào' thử nghiệm, đi trước.

Bài 1: Việc cần kíp

Bài 2: Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Hiểu thật đúng!

Bài 3: Để các chiến lược thật sự là “cẩm nang” giữ nước

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Những người "đi trước" và “thước đo chân lý”

Tinh thần dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của họ trong “đêm trước” đổi mới là kinh nghiệm, bài học vô giá khi chúng ta triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị...

Tổng Bí thư Trường Chinh và quyết định lịch sử

Tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh nhận trọng trách người đứng đầu Đảng ta sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Thời gian diễn ra Đại hội VI của Đảng đã cận kề. Ông đã đưa ra quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có: Viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới. Quyết định này đã mở ra bước ngoặt mới cho đất nước. Trong công tác, đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo rất coi trọng lý luận, hết sức nguyên tắc và nổi tiếng là cẩn thận (vì vậy ông còn có tên gọi là Thận), nhưng lại được coi là “Tổng Bí thư của đổi mới”.

Tình hình đất nước lúc ấy cực kỳ khó khăn. Gần đến ngày Đại hội VI, trong Đảng và xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Với vai trò “thuyền trưởng”, đồng chí Trường Chinh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đấu tranh bảo vệ các quan điểm đổi mới. Tại diễn đàn Đại hội X của Đảng bộ TP Hà Nội, ông quả quyết: “Trở lại tập trung quan liêu, bao cấp là trở về cái ngõ cụt mà từ nhiều năm nay chúng ta đã loay hoay trong đó không có lối ra. Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa chính là lối ra đúng đắn, không có con đường nào khác”. Tổng Bí thư Trường Chinh đã chủ trì hội nghị Trung ương để bàn về những ý kiến khác biệt xung quanh dự thảo văn kiện đại hội, sau này được gọi là "hội nghị 3 quan điểm", kết luận những luận điểm quan trọng, trái ngược với đường lối cũ. Đó là: Phát triển kinh tế nhiều thành phần, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý. Những nội dung này đã thay đổi cơ bản nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị lần 1 và được coi là “linh hồn” của văn kiện Đại hội VI.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Ông “khoán sản” ở thành phố Cảng

Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) năm nay đã bước sang tuổi 93. Trò chuyện với chúng tôi xung quanh câu chuyện về Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ông vẫn rất nhiệt thành và tâm huyết, nhất là khi kể về giai đoạn ông và lãnh đạo thành phố Cảng “xé rào” thực hiện khoán trong nông nghiệp.

Ông nhớ lại cuộc gặp cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ 20 với “Bí thư “khoán hộ” Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc (từ năm 1968 đến 1978, ông Kim Ngọc là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú). Những kinh nghiệm ở Vĩnh Phúc và thực tiễn ở Hải Phòng đã cho ông thấy, vấn đề mấu chốt dẫn đến yếu kém trong nông nghiệp khi ấy là do khâu quản lý. Ông lúc ấy là Chủ tịch UBND thành phố đã đem vấn đề này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ. Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần về ý tưởng “khoán sản” trong nông nghiệp. Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Hai ông chọn cách: Phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức. Huyện Đồ Sơn được chọn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên mảnh ruộng của mình. Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước...

Bà Ba Thi và tổ thu mua lúa gạo

Bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là Ba Thi nổi tiếng khi là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Bà được coi là người nổ phát súng đầu tiên vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá trong cả nước.

Tình hình lương thực của Thành phố những năm sau giải phóng rất căng thẳng. Bà Ba Thi đã dũng cảm đề xuất với lãnh đạo thành phố: “Về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo đem về phục vụ đồng bào thành phố”. Từ đề xuất này, bà đã góp phần giúp thành phố “phá rào”, phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ ngăn sông cấm chợ khi ấy.

Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra một điều, cũng do bị cô lập, do tệ ngăn sông cấm chợ mà hàng hóa không lưu thông được. Ở nông thôn, nông dân cần dầu thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau... mà không có để mua, dù trong tay có tiền. Lý do thật đơn giản, nền công nghiệp của ta sản xuất theo kế hoạch kiểu cũ, chỉ đủ phân phối theo định lượng cho cán bộ, công nhân viên, không có dư để bán cho dân, trong khi nguồn hàng dự trữ từ trước giải phóng đã cạn. Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, nói nôm na là hàng hai chiều.

Bước đột phá ở Long An

Những năm 1979-1980, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần (sau này ông là Bộ trưởng Bộ Lương thực và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) đã quyết định triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông-bù giá vào lương. Bước đột phá này nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại những thay đổi lớn cho địa phương và lan truyền trong cả nước.

Thực tế lúc này ở Long An cũng như các địa phương là sự áp đặt chủ quan, tùy tiện trong định giá đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của Nhà nước. Khoản chênh lệch ấy chính là miếng mồi béo bở cho các hoạt động bòn rút hàng từ tay Nhà nước sang túi các cá nhân.

Là người đứng đầu tỉnh, ông Chín Cần trăn trở và tìm cách để thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, khâu nóng bỏng nhất lúc bấy giờ. Giải pháp “bù giá vào lương” gây một hiệu ứng tích cực. Thị trường sôi động, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, quỹ lương của tỉnh tăng lên gấp 7 lần... Sau “bù giá vào lương”, Bí thư Chín Cần tập trung vào tìm phương án cải tiến khâu phân phối, lưu thông một cách căn cơ, toàn diện.

Những cải tiến trong phân phối, lưu thông ở Long An thực sự tạo nên cơn “địa chấn” trong cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính được gọi ra Hà Nội để giải thích tại sao việc “tày đình” như thế mà không báo cáo xin ý kiến Trung ương? Ông Chín Cần thẳng thắn đáp: “Nếu chúng tôi xin ý kiến thì bằng lý luận các anh sẽ bác. Chi bằng chúng tôi làm có kết quả rõ ràng, rồi báo cáo”. Và kết quả thực tế đã thay mọi lời giải thích. Trung ương chấp nhận và cho Long An tiếp tục thực hiện. Không lâu sau những cải tiến này được áp dụng trong cả nước với nhiều quyết định mang tính lịch sử tại Đại hội VI của Đảng...

NGUYỄN VĂN MINH - TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/noi-thang-lam-that-dem-truoc-doi-moi-673449