'Nội trợ là kỹ năng, vì sao chỉ dạy cho con gái?'

Theo chuyên gia, tư tưởng phân chia công việc dựa trên giới tính đang cản trở nỗ lực đấu tranh cho sự bình đẳng.

Trường THPT Hai Bà Trưng ở Thừa Thiên - Huế vừa được thống nhất thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh từ năm học 2021-2022.

Thông tin này đang gây nên cuộc tranh luận trái chiều về chủ đề từng được nói đến rất nhiều: Liệu nấu nướng, làm việc nhà có phải chỉ dành cho nữ giới?

 Trường THPT Hai Bà Trưng ở Thừa Thiên - Huế vừa được thống nhất thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh để làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Trường THPT Hai Bà Trưng ở Thừa Thiên - Huế vừa được thống nhất thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh để làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Ai cũng cần học nấu ăn, làm việc nhà

Trao đổi với Zing về sự việc trên, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), cho rằng không nên gọi tên môn học là nữ công gia chánh.

Bà lý giải: “Theo cách hiểu bề mặt, nữ công gia chánh mặc định chỉ dành cho nữ giới. Theo tôi, nội hàm môn học như dạy làm việc nhà, quản lý việc nhà, quản lý chi tiêu, chăm sóc các thành viên gia đình nên dành cho cả nam sinh, nữ sinh, trẻ em trai, trẻ em gái trong trường học”.

Theo bà Hà, bên cạnh cách gọi tên, việc thí điểm khôi phục môn học này tại trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa) và triển khai ở Thừa Thiên - Huế, nơi người ta vẫn cho là rất khuôn mẫu, đã củng cố định kiến môn học này phù hợp hơn với nữ giới, trẻ em gái.

 Theo bà Ngô Thị Thu Hà, chương trình dạy làm việc nhà, quản lý việc nhà... nên dành cho cả nam và nữ sinh trong trường học. Ảnh: NVCC.

Theo bà Ngô Thị Thu Hà, chương trình dạy làm việc nhà, quản lý việc nhà... nên dành cho cả nam và nữ sinh trong trường học. Ảnh: NVCC.

Do đó, việc công chúng thảo luận là đầu vào rất tốt cho chính quyền địa phương, nhà trường xem lại quyết định của mình và cách triển khai nó.

Giám đốc CEPEW cho rằng tên môn học nên được đổi thành “làm việc nhà” hay “kỹ năng quản lý việc nhà” sẽ phù hợp hơn.

Ngoài ra, không chỉ đưa vào trường học mà trong gia đình, ông bà, cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ em cả trai và gái làm việc nhà. Đó giống như kỹ năng tồn tại mà khi các em ra ngoài, đi đâu đó hay có cuộc sống riêng cũng phải tự làm được thay vì phụ thuộc vào người khác.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định việc đặt tên môn học là nữ công gia chánh sẽ cản trở nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới, cụ thể là quay lại những khuôn mẫu có tính chất truyền thống gắn vai trò nội trợ với phụ nữ và đi ngược lại nỗ lực kéo đàn ông vào bếp, chia sẻ việc nhà.

Theo bà Phương, chuyện học gia chánh vẫn được quan niệm là quan trọng với con người nói chung. Đó là các kỹ năng giúp mọi người tồn tại và ai cũng cần biết.

“Không chỉ nữ giới, các em nam cũng cần được dạy kỹ năng nấu ăn, làm việc nhà. Ngay cả con gái cũng nên biết sửa điện hay làm những việc mang tính kỹ thuật, cần dùng đến búa, kìm. Không nên dùng giới tính để đo lường năng lực của cá nhân. Kỹ năng sống thì giới tính nào cũng cần học”, vị PGS.TS bày tỏ.

Bà nói thêm: “Có thể gọi tên khác như môn ‘kỹ năng gia chánh’, ‘kỹ năng sinh tồn’. Đôi khi, việc đặt nên môn học rất quan trọng vì nó có thể khắc sâu, củng cố những định kiến giới vốn có”.

 PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cho rằng việc đặt tên môn học là nữ công gia chánh sẽ cản trở nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cho rằng việc đặt tên môn học là nữ công gia chánh sẽ cản trở nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới. Ảnh: NVCC.

Rào cản nằm ở khuôn mẫu giới

Theo bà Ngô Thị Thu Hà, việc triển khai môn học về kỹ năng làm việc nhà có thể gặp khó khi định kiến, khuôn mẫu giới vẫn còn.

Một đánh giá do CISDOMA và OXFAM thực hiện mà bà Hà tham gia trong năm 2020 cho thấy 50% thanh niên ở 5 trường đại học lớn tại Việt Nam đồng tình với quan điểm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

“Đây là con số rất đáng kinh ngạc. Trong số đó, rất nhiều bạn tự cho mình là hiểu rất rõ về bình đẳng giới nhưng cũng ủng hộ cho quan điểm này”, bà nói.

Bà Hà cho biết thực tế, khi giảng dạy về bình đẳng giới thực chất và phòng chống bạo lực giới tại nhiều trường đại học, các sinh viên được yêu cầu vẽ ra hình mẫu nam giới và nữ giới lý tưởng, điều dễ thấy là định kiến về hình ảnh, vai trò truyền thống của nam - nữ còn ăn rất sâu.

Giám đốc CEPEW dẫn chứng ngoài vai trò giới truyền thống là đảm đang, giỏi việc nhà, phụ nữ còn phải mang vai trò giới hiện đại như kiếm ra tiền, xinh đẹp, giỏi giang, thông minh. Về phía nam giới, bên cạnh vai trò trụ cột, họ còn phải gallant, 6 múi.

 Việc triển khai môn học về kỹ năng làm việc nhà có thể gặp khó khi định kiến, khuôn mẫu giới vẫn còn nặng nề trong xã hội. Ảnh minh họa: Askdoctornan.

Việc triển khai môn học về kỹ năng làm việc nhà có thể gặp khó khi định kiến, khuôn mẫu giới vẫn còn nặng nề trong xã hội. Ảnh minh họa: Askdoctornan.

“Ngoài vai trò ‘xây nhà’, ‘xây tổ ấm’, cả nam và nữ giới còn được yêu cầu rất cao về mặt ngoại hình, hình thức, giỏi quan hệ, giao tiếp. Tôi thấy thế hệ thanh niên bây giờ, không phải tất cả, nhưng những khuôn mẫu, định kiến còn trầm trọng hơn thế hệ trước”, bà Hà nói.

Không chỉ ngoài thực tế, theo bà Ngô Thị Thu Hà, trong Luật Trẻ em cũng có điều khoản quy định trẻ em phải có bổn phận làm việc nhà phù hợp với giới tính.

“Đó là quy định củng cố khuôn mẫu giới vì bản thân công việc nhà là không có giới tính”, bà nói.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cũng nhấn mạnh tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn nặng nề trong xã hội. Bởi có thể trên truyền thông, người ta cổ vũ cho sự bình đẳng nhưng thực tế, khuôn mẫu giới lại được dùng để xác định nam, nữ làm một số điều được cho là hợp lý, phù hợp với giới tính.

Theo bà Phương, trên mạng xã hội, đàn ông phản ứng gay gắt với cuộc đấu tranh kêu gọi bình đẳng giới như hiện nay. Nếu xã hội vừa gán trách nhiệm “xây nhà”, trụ cột cho đàn ông, vừa mong đợi họ phải vào bếp, thì đối với họ, đó là sự bất công.

“Do đó, trong nỗ lực bình đẳng giới, về mặt chính thức, người ta cổ xúy điều này nhưng thực tế, khuôn mẫu, định kiến giới vẫn còn khắc sâu, củng cố qua những thực hành. Ngay cả nỗ lực khôi phục môn học ‘nữ công gia chánh’ trong trường học cho nữ sinh cũng là biểu hiện của khuôn mẫu giới vẫn còn nặng nề”, vị PGS.TS nói.

Theo bà Phương, để có bình đẳng thực sự, việc gỡ khuôn mẫu giới là cần thiết. Rất nhiều tổ chức về giới đang nỗ lực cho điều này như định nghĩa lại việc nhà, chăm sóc gia đình là công việc quan trọng, không thấp kém hơn chuyện đi kiếm tiền bên ngoài.

Các thành viên trong gia đình, cả nam giới và nữ giới, đều cần được giáo dục để học các kỹ năng quản lý gia đình, san sẻ việc nhà, cũng như chia sẻ những gánh nặng kinh tế để duy trì gia đình. Bình đẳng giới cần được bắt đầu từ việc gỡ bỏ khuôn mẫu giới.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-tro-la-ky-nang-vi-sao-chi-day-cho-con-gai-post1193404.html