Nơi trở về với tôi - trẻ - con của những ngày rất xa
Tất cả bắt đầu từ một buổi tối mùa hè cách nay chừng hơn mười tám năm, khi Đài Truyền hình Quảng Trị phát thông báo chiêu sinh vào Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, tôi nhớ mình đã chạy quanh nhà rất vui sướng khi mẹ nói đó sẽ là nơi tôi theo học trong năm năm tới.
Những niềm vui trẻ con thì khó quên. Một chiều tháng 8 năm đó, ba tôi dắt tay tôi đến trường lần đầu tiên để nhận lớp. Lớp 1/2, ba đoán chắc là phòng 12 nên yên tâm dẫn tôi vào ngồi một lúc. Hóa ra là nhầm, chúng tôi lại tất tả kéo nhau đi tìm phòng học cho đúng.
Có lẽ mọi thứ bắt đầu bằng một tình huống trớ trêu buồn cười, nên những năm học đầu đời của tôi cũng diễn ra nhẹ nhõm và đầy niềm vui.
Xét theo những tiêu chuẩn thông thường, tôi là một học sinh không lấy gì ngoan lắm: Hay mất tập trung trong giờ học, ăn rất chậm lại còn mắc tật nói chuyện riêng.
Những giờ ngủ trưa, sau khi đọc chán chê cuốn truyện tranh mẹ nhét vào cặp trước khi đi học, tôi lại khều khều các bạn bên cạnh để “buôn chuyện”. Ban đầu giọng còn nho nhỏ vừa nghe vì ngại cô giáo, đến khi vào chuyện ngon trớn, tôi thao thao bất tuyệt, quên luôn việc mọi người vẫn đang chợp mắt.
“Khoa Thư ơi!” một buổi trưa mùa đông năm lớp ba, cô Xuân đã gọi tôi giữa lúc tôi đang “mặn chuyện” say sưa như thế.
Tôi im bặt, nằm ngay ngắn, mắt nhắm nghiền.
“Xuống đây ngủ cùng cô đi,” cô nói, và nhắc lại đến hai lần.
Cuối cùng thì tôi cũng phải ôm gối xuống nằm cạnh cô trên cái giường đơn be bé.
Những ngày tiếp theo, giờ ngủ trưa lớp im ắng lạ thường, tôi cũng ngủ rất ngon.
Theo nhẽ thường có lẽ tôi đã bị quở mắng nặng nề vì tội gây mất trật tự, nhưng cách xử lí nhân hậu và kì lạ của cô Xuân khiến tôi mãi mãi không bao giờ quên.
Tôi của năm bảy tuổi bướng bỉnh vô cùng. Có lần được 8 điểm kiểm tra môn Sức khỏe, số điểm mình cho là thấp, tôi ở lại lớp đến cuối cùng để nhờ cô Cảnh xem lại. Đó là một buổi chiều rất muộn, cô kiên nhẫn chỉ cặn kẽ cho tôi những chỗ làm sai, hiểu sai mà không một lời phàn nàn. Tôi không còn nhớ những kiến thức ngày hôm đó mà cô chỉ dạy, nhưng sự tận tâm của cô là điều tôi luôn ghi khắc đến tận bây giờ.
Những năm tháng cấp một tôi bị sâu răng nên phải thường xuyên ra vào phòng nha học đường để thăm khám. Phòng khám nằm kế bên thư viện. Trong những lúc ngồi chờ, tôi kết thân với cô thủ thư. Giờ tên cô tôi đã không còn nhớ nữa, nhưng những cuốn sách cô khuyên đọc thì tôi không bao giờ quên.
Có lần trường về một lô sách mới, còn chưa làm danh mục, cô vẫn nhiệt tình cho tôi xem qua. “Heidi - Cô bé trên núi cao”, “Túp lều của bác Tôm”… những cái tên gợi cho tôi biết bao niềm hạnh phúc, của việc biết thêm những điều mới vượt qua ranh giới của sách giáo khoa thông thường mà trong những giờ phút ngắn ngũi chờ chữa răng, tôi được may mắn chạm tay vào.
Có lẽ tôi sẽ không một chút tin nếu ngày đó có người nói rằng tôi lớn lên sẽ làm công việc mà mình mơ ước khi còn học tiểu học.
Những ước mơ trẻ con thì thay đổi liên tục và đôi khi không thực tế. Nhưng may mắn trong đời tôi có cô Liên, thầy Phiến… những người đã giúp tôi nhận ra khả năng của mình từ tấm bé mà gắng sức trau dồi.
Để rồi bẵng đi một thời gian dài thử sức với nhiều điều mới lạ, tôi lại quay về với việc viết lách như thầy, cô đã từng tin tưởng.
Tôi chưa từng là học sinh giỏi nhất, chưa từng chiến thắng trong những cuộc thi và ca, múa, hát không phải là điều tôi ưa thích. Điều tuyệt vời là tôi luôn cảm thấy mình được chấp nhận, được tôn trọng và được tự do tìm hiểu những điều mới lạ dưới mái trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành.
Bây giờ sống ở một thành phố khác, mỗi lần về thăm quê, đi ngang qua trường cũ, tôi luôn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, được trở về với tôi-trẻ-con của những ngày rất xa, hồn nhiên và hạnh phúc.
Những quyển vở trước đây mà tôi dùng, trên bìa ghi một dòng chữ: “Ai chắp cánh ước mơ cho em?” Gần hai mươi năm sau, tôi đoan chắc mình đã có câu trả lời.
Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành luôn đẹp như kí ức của tuổi thơ tôi!
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=144072