Nông dân cay vì ớt
Được đánh giá là vựa rau lớn nhất không chỉ của Gia Lai mà còn chuyển đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ, nhưng thời gian qua, các huyện, thị xã phía đông tỉnh Gia Lai lại điêu đứng vì 2 loại cây dưa và ớt bởi câu chuyện rất cũ: được mùa mất giá.
Được đánh giá là vựa rau lớn nhất không chỉ của Gia Lai mà còn chuyển đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ, nhưng thời gian qua, các huyện, thị xã phía đông tỉnh Gia Lai lại điêu đứng vì 2 loại cây dưa và ớt bởi câu chuyện rất cũ: được mùa mất giá.
Cay xót vì ớt, héo lòng vì dưa
Trồng cây ớt được xem là mô hình phát triển thu lãi cao nhiều năm nay của các địa phương phía đông tỉnh Gia Lai như Đắc Pơ, Kong Chro, An Khê và Ia Pa. Tính toàn tỉnh đến thời điểm cuối năm 2013 có gần 1.500ha người nông dân đầu tư vào cây ớt.
Giá ớt vào thời điểm được giá là 25.000-50.000 đồng/kg tươi, nay hạ xuống còn 5.000 - 8.000 đồng/kg và đang tiếp tục giảm. Chính vì vậy, dù ớt đã chín đỏ ngoài đồng nhưng người dân không ngó ngàng đến chuyện thu hoạch.
Ngay tại H. Đắc Pơ với gần 650ha cây ớt nhưng đến vụ này không còn cảnh người người, nhà nhà phơi ớt đỏ đầy sân mà chỉ còn lác đác vài nhà thu hoạch. Bởi lẽ, giá ớt xuống thấp trong khi công hái đã dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg, trừ chi phí đó người dân gần như không thu được một đồng nào.
Bên gần 2 sào ớt, vợ chồng ông Trần Quang Tới (trú Tân Hội, xã Tân An, H. Đắc Pơ) đang lúi húi nhổ bỏ ruộng ớt của mình mặc cho những trái ớt chín đỏ cây. "Nhổ thôi chứ trồng gì nữa chú ơi! Hái bán có lời đâu, mà giờ bán có ai mua. Ớt rớt giá thê thảm rồi!" - ông Tới nói.
Thời điểm này năm ngoái, với 2 sào ớt của mình, trừ chi phí thì gia đình ông đã lời hơn 50 triệu đồng nên gia đình ông tiếp tục bỏ tiền đầu tư 2 sào ớt. Nhưng giờ đành cắn răng nhổ bỏ ruộng ớt để còn kịp gieo trồng cây khác.
Tương tự gia đình ông Đặng Văn Bộ (trú thôn 5, xã Hà Tam, H. Đắc Pơ) cũng bỏ mặc 4 sào ớt đang kỳ ra trái, dù đã hái được một đợt khi giá ớt tươi đạt mức 11.000 - 12.000 đồng/kg. Kể từ khi giá ớt tươi hạ xuống 5.000 - 8.000 đồng/kg thì ông cũng bỏ mặc 4 sào ớt.
"Cây ớt dù không được xem là cây thu nhập chính của nông dân trồng màu chúng tôi, nhưng đó là cây đem lại những nguồn thu vào dịp trái vụ. Thế nhưng, giờ thì cả xã đều ngao ngán vì ớt rồi" - ông Bộ nản lòng.
Vì sao giá ớt rớt đến mức thê thảm?, người dân Đắc Pơ và TX An Khê - nơi chiếm 50% diện tích trồng ớt của Gia Lai có chung câu trả lời: vì thương lái Trung Quốc không nhập ớt ồ ạt nữa. Tương tự, như vụ dưa cuối năm 2013 đầu năm 2014, khi hàng trăm hộ dân ở các huyện, TX Đắc Pơ, Kong Chro và An Khê đã lỗ nặng vì dưa hấu rớt giá dù được mùa.
Bài toán đầu ra và chuyện thương lái Trung Quốc
Có thể thấy, không chỉ ở Gia Lai mà các tỉnh, thành phố khác hầu như mặt hàng nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, người nông dân cứ thấy giá loại rau, củ, quả nào tăng cao là bắt đầu lao vào đầu tư mở rộng diện tích cho bằng được.
Ông Phan Ngọc Thành - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TX An Khê cho hay: "Nếu tính về diện tích dưa hấu thì 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai (Đắc Pơ, Ia Pa, Kong Chro và thị xã An Khê) chiếm 800 - 1.000ha, ớt thì chiếm 80% diện tích của toàn tỉnh. Thế nhưng, điệp khúc "được mùa, mất giá" cứ lặp đi lặp lại hàng năm khiến bà con nông dân thiệt thòi.
Trong khi đó, đây là 2 loại cây đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác. Một phần do tư thương làm giá, một phần đây là 2 mặt hàng còn phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc. Thế nên, đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc giải quyết bài toán ổn định đầu ra cho người nông dân".
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, qua công tác nắm tình hình đã phát hiện 7 thương lái Trung Quốc đến địa bàn Chư Prông và An Khê có dấu hiệu khảo sát thuê đất trồng dưa và thu mua dưa hấu.
Cụ thể, tại Chư Prông phát hiện 4 trường hợp đến địa phương để khảo sát tình hình thu mua dưa hấu xuất khẩu, đặc biệt có đối tượng đã đến địa bàn huyện lần thứ 2 và cũng cùng một mục đích. Khi phát hiện có người Trung Quốc đến địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời nên các đối tượng chưa thực hiện được các hoạt động liên quan đến an ninh kinh tế trái phép.
Đến thời điểm này, qua kiểm tra trên toàn địa bàn không phát hiện trường hợp người dân nào trồng giống dưa hấu không hạt do Trung Quốc mang sang nhờ tinh thần nêu cao cảnh giác của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Hiện chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo nắm tình hình, phát hiện kịp thời ngăn chặn các hành vi của thương lái Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế trái phép và người dân từ các tỉnh khác đến thuê đất trồng dưa, thu mua dưa.
Tình trạng dưa hấu, ớt tại Gia Lai được mùa nhưng không được giá, xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc đành phải phá bỏ không còn là chuyện mới. Thế nhưng, câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết khi đầu ra sản phẩm vẫn chưa ổn định khiến người nông dân vẫn gặp phải vô vàn khó khăn ngay cả khi được mùa.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_116393_nong-dan-cay-vi-ot.aspx