Nông dân Chín Quy bám đồng, mê ruộng

Con cái đề huề, nhà cửa khang trang, lận lưng 3,5 công ruộng và thuê thêm 4ha ruộng để canh tác là đôi nét phác họa về anh Nguyễn Văn Quy (tên thường gọi Chín Quy) - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Cưới vợ với 5 công đất ruộng như của hồi môn, anh Chín Quy cùng vợ làm lụng cật lực để gầy dựng sự nghiệp. Cả ngày bám ruộng, buổi tối anh Chín Quy còn giăng câu, đặt trúm để kiếm thêm thu nhập, lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy. Chăm chỉ lao động, lại chi tiêu tiết kiếm, 3 năm sau, vợ chồng bắt đầu có dư, mua thêm đất ruộng. Lần hồi từ 5 công đất ban đầu, nay vợ chồng anh Chín Quy có 3,5ha đất ruộng, thuê thêm 4ha ruộng, thu lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/năm.

“Ruộng đất không phụ người có công”, anh Chín Quy nói vậy. Có lẽ vì mê ruộng đất mà anh có động lực phấn đấu vươn lên. Ở tuổi 47, anh am hiểu từng thửa đất, mảnh ruộng; học kinh nghiệm từ thế hệ đàn anh, lại biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên vụ lúa nào vợ chồng anh Chín Quy cũng từ huề tới lãi.

“Nông dân bây giờ phải biết kỹ thuật, không thì không ăn đâu”, anh Chín Quy nói. Rành kỹ thuật từ sạ hàng, sạ thưa, thêm thường xuyên cập nhật tin tức để nắm bắt thông tin nhằm ứng phó kịp thời với tình hình dịch hại.

Anh Chín Quy, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chuẩn bị giống cho vụ hè thu 2023.

Anh Chín Quy, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chuẩn bị giống cho vụ hè thu 2023.

Nhận thấy chỉ có áp dụng cơ giới hóa mới giúp nhà nông giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên ruộng đồng, từ năm 2014, lúa trúng mùa lại bán được giá cao, vợ chồng anh Chín Quy bàn nhau mua một máy xới nhỏ 30 triệu đồng. Có máy xới, giảm chi phí thuê nhân công làm đất mà còn giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập 1 triệu đồng/ngày từ làm dịch vụ. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, dư được bao nhiêu anh dành dụm thuê thêm đất ruộng canh tác.

Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật như sạ thưa, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nên ruộng lúa gia đình anh Chín Quy mỗi vụ đều bội thu. Mặc dù giá lúa qua từng vụ trồi, sụt thất thường nhưng anh vẫn có lợi nhuận nhờ biết cách giảm chi phí đầu vào. Điều này thúc đẩy vợ chồng anh mạnh dạn thuê thêm 4ha ruộng để canh tác mà còn có thời gian đầu tư vào mô hình triển vọng hiện nay như nuôi lươn, bồ câu thương phẩm.

Anh Chín Quy chuẩn bị vật tư nông nghiệp cho vụ hè thu.

Để tăng hiệu quả phòng, trị bệnh trên lúa, từ vụ hè thu năm 2023, anh Chín Quy quyết định sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh Chín Quy chia sẻ: “Nhiều người hỏi cắt cớ “bộ làm không xài tiền hay sao mà dư dữ vậy?”. Nói thiệt, làm ruộng lời không nhiều, suốt 3 tháng mới lời 3-4 triệu đồng/công là mừng, có vụ rồi trúng mùa được giá nên lợi nhuận cao. Quan trọng là mình phải siêng năng, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…”.

Với những thành công trong sản xuất, từ năm 2015 đến nay, anh Chín Quy được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen.

Bài và ảnh: AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/nong-dan-chin-quy-bam-dong-me-ruong-14294.html